Phiên tòa giả định với tình huống xảy ra xung quanh câu chuyện một nhóm bạn học sinh nam, vì ganh tỵ nhau với tình yêu tuổi học trò đã có hành vi cố ý gây thương tích đối với 1 nam sinh cùng lớp. Vì những câu nói thách thức nhau, hai nam học sinh (Tuấn và Nam) đã dùng tay, chân đánh bạn, rồi dùng mũ bảo hiểm đánh vào vùng đầu và gây thương tích đối với Hùng (một bạn cùng lớp) với tỷ lệ tổn thương trên cơ thể là 5%.

Câu chuyện tưởng chỉ thiếu suy nghĩ của các em đã dẫn đến một vụ án nghiêm trọng với tội danh “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Phiên tòa giả định với sự tham gia đầy đủ các thành phần tố tụng. Các vai diễn trong phiên tòa giả định do các đoàn viên tham gia, trong đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch được giao nhiệm vụ chuẩn bị kịch bản và đảm nhận các vai diễn Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên, Thư ký, Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo.

Phiên tòa giả định đã thu hút đông đảo các em học sinh thuộc các khối lớp của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tham dự theo dõi.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên tòa giả định.

Quá trình xét xử tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng đã phân tích lý do, nguyên nhân dẫn đến hành vi gây thương tích đáng tiếc mà người gây ra là học sinh.Từ đó nêu lên được mục đích của phiên tòa giả định là tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu cho đoàn viên, thanh niên, học sinh về các quy định của Bộ luật Hình sự, về các hành vi cố ý gây thương tích, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức về văn hóa, cách ứng xử trong đoàn viên, thanh niên và học sinh.

Sau khi phiên tòa kết thúc, các em học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm được tham gia trò chơi dưới dạng trả lời những câu hỏi của Ban tổ chức về các tình huống trong vụ án, phần giao lưu diễn ra sôi nổi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh góp phần tăng tính tương tác và hiệu quả của buổi tuyên truyền.

Phiên tòa giả định không chỉ là sân chơi bổ ích giúp cho các em hiểu được trình tự diễn ra một phiên tòa, nắm được các văn bản, điều luật mà còn góp phần truyền tải, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho lứa tuổi học sinh, đưa pháp luật vào cuộc sống. Việc này còn giúp cho các em học sinh hiểu và có cách xử sự phù hợp, đúng quy định của pháp luật khi đối mặt với những va vấp, mâu thuẫn trong cuộc sống và trong học đường, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật của mỗi học sinh, góp phần phòng ngừa tội phạm.

 

P.V