Theo Bộ Tư pháp cho biết, Luật Công chứng năm 2014 được ban hành đã góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật về công chứng. Sau hơn 5 năm thi hành Luật, hoạt động công chứng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, hoạt động công chứng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hoá. 

Bên cạnh đó, việc thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 59 Hội công chứng viên địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ Trung ương đến địa phương đã bước đầu nâng cao vai trò tự quản nghề nghiệp, chia sẻ, hỗ trợ công việc với cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, nghĩa vụ thành viên của Liên minh công chứng quốc tế được hoàn thành tốt.

Vị trí, vai trò của công chứng ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội. Số lượng và tính chất giao dịch công chứng ngày càng tăng và đa dạng. Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỉ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỉ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỉ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỉ đồng.

Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đều được các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Mức phí mua bảo hiểm khoảng từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng/1 năm, tương đương mức bồi thường khoảng từ 500 triệu đồng đến 3 tỉ đồng/1 năm.

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến thời điểm ngày 31/12/2019, đa số các văn bản công chứng đều bảo đảm an toàn pháp lý. Số lượng vụ việc phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng khá thấp. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng khoảng hơn 12 tỉ đồng. Nhiều địa phương không có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về công chứng theo quy định của Luật Công chứng cũng đã được nhiều địa phương quan tâm. Tính đến ngày 30/6/2021, cả nước có khoảng 47/63 địa phương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng, chiếm tỉ lệ khoảng 75%.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng được thực hiện thường xuyên. Hàng năm, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đều tổ chức các đợt thanh tra về tổ chức và hoạt động công chứng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

Việc phát hiện và xử lý kịp thời một số vụ việc vi phạm đã góp phần ngăn chặn kịp thời hậu quả, lợi dụng hoạt động công chứng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng đã thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc công chứng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, qua đó đưa hoạt động công chứng của cơ quan này vào nề nếp.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, hoạt động công chứng thời gian qua còn có những tồn tại, hạn chế như: Số lượng công chứng viên tăng nhanh nhưng chất lượng đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chất lượng hoạt động hành nghề công chứng còn có những sai sót, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; một bộ phận công chứng viên chưa tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, còn có hiện tượng công chứng viên cố ý làm trái, không đúng trình tự, thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội.

Cùng với đó việc phân định công chứng - chứng thực chưa phản ánh đúng bản chất của hoạt động; phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn quá hẹp, tiềm ẩn rủi ro lớn cho người dân khi giao kết các giao dịch không được công chứng; công tác quản lý nhà nước về công chứng còn chưa thực sự sâu sát, triệt để; có lúc, có nơi còn lúng túng, lỏng lẻo chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn…

Một trong những kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng đó là tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động công chứng nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm; đồng thời, hướng dẫn, định hướng các công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm các quy định của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng và liên quan đến công chứng; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chứng viên; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng kết hợp với việc chuyển một số công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện…

P.V