Theo Quyết định 1443/QĐ-TTg ngày 29/8/2021 của Thủ tướng, thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) gồm 25 thành viên do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Thành viên Hội đồng bao gồm lãnh đạo Uỷ ban kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học; các Uỷ viên phản biện theo quy định tại Điều 35, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật về quy hoạch liên quan đến việc thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định. Hội đồng hoạt động theo quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ.

Trước đó, tại Điều 33 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ đã quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng và các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Theo đó, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch có trách nhiệm và quyền hạn đó là: Chịu trách nhiệm về hoạt động của Hội đồng thẩm định quy hoạch; tổ chức, điều hành các cuộc họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch; phân công nhiệm vụ cho thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch; phê duyệt báo cáo thẩm định quy hoạch.

Thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch có trách nhiệm và quyền hạn: Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch, chuẩn bị ý kiến góp ý bằng văn bản tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch về lĩnh vực chuyên môn và các vấn đề chung; gửi ý kiến góp ý bằng văn bản về dự thảo báo cáo thẩm định quy hoạch tới cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch để tổng hợp; phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch rà soát các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định trong hồ sơ, tài liệu quy hoạch trước khi hồ sơ, tài liệu quy hoạch được đóng dấu xác nhận.

Được quyền bảo lưu ý kiến của mình; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch phân công.

P.V