Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, hôm nay (28/8).

leftcenterrightdel
Thủ tướng cho rằng, tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn còn phổ biến; học chưa gắn với hành. Ảnh:VGP

Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu

Đánh giá về những kết quả của ngành Giáo dục và đào tạo, Thủ tướng nêu rõ: Ngành đã từng bước và quyết liệt thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”, chú trọng phát triển con người để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Từ kinh nghiệm đi học, giảng dạy và quản lý, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu thêm phương châm “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy giáo làm động lực” để bổ sung cho phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”.

Năm học 2020 – 2021 cũng ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, ngành Giáo dục đã linh hoạt, triển khai các biện pháp ứng phó, chủ động ứng dụng công nghệ quản lý, dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tổ chức triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT sát hợp với tình hình, đảm bảo nghiêm túc, an toàn và chống dịch. Cả nước ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực này của toàn ngành.

Thủ tướng cũng ghi nhận và biểu dương tinh thần tham gia chống dịch tích cực của thầy và trò các trường y dược, đây là lực lượng đang không quản ngại hy sinh gian khổ, luôn ở tuyến đầu trong chống dịch, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, theo tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Song, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như: Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa; thiếu đất cho xây dựng trường học, nhất là ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ không đồng đều, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu, xuống cấp. Kiến thức cho học sinh vẫn nặng về lý thuyết mà còn thiếu tính thực tiễn, tính ứng dụng và kỹ năng sống, việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập.

Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng bệnh thành tích trong giáo dục. Chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo đại học đã có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mong muốn của chúng ta và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đời sống giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn. Tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn còn phổ biến; học chưa gắn với hành. Chưa đặt đúng tầm công tác giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc…

Đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin

Từ những phân tích nêu trên, Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị tập trung giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất là, các vấn đề của kế hoạch năm học 2021-2022. Thứ hai là, giải quyết vấn đề đang tồn tại của ngành gắn với mục tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển giáo dục.

leftcenterrightdel
Thủ tướng cũng đề nghị xem xét tiêm vắc xin cho trẻ em. Ảnh: VGP

Về kế hoạch của năm học 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vắc xin. Việc trường học hoạt động trở lại bình thường là mong ước của tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em. Theo đó, Bộ Y tế quy định độ tuổi tiêm các loại vắc xin để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vắc xin phù hợp. “Chúng ta làm tất cả nhưng gì có thể làm được để các cháu được tiêm vắc xin”- Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu tiếp tục rà soát, bổ sung sớm cho những nơi thiếu vắc xin cho giáo viên. Việc tiêm vắc xin, cần bảo đảm các điều kiện vật chất và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch khác khi học sinh trở lại học bình thường, an toàn.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các địa phương không có dịch (vùng xanh) chủ động phương án cho học sinh quay lại trường học nhưng có biện pháp kiểm tra, sàng lọc, đảm bảo môi trường và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.

Đối với “vùng đỏ” và “vùng vàng”, giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập, không để ai bị bỏ lại phía sau, các cháu bị thất học.

Còn với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường.  Nhiều giáo viên bị ảnh hưởng do trường đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục, mầm non cũng cần được quan tâm hơn nữa.

“Chúng ta đã triển khai chính sách hỗ trợ chung qua Nghị quyết 86 của Chính phủ, các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu có chính sách hỗ trợ thêm cho các giáo viên và học sinh trong các trường hợp đặc thù một cách phù hợp.”- Thủ tướng nói.

Cần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm

Với quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, Người đứng đầu Chính phủ: Chất lượng giáo dục phải được nâng lên cùng với chất lượng giáo viên, phải có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tạo môi trường, hệ sinh thái giáo dục phát triển lành mạnh, bình đẳng, sáng tạo, khuyến khích đổi mới, ngoài khuyến khích vật chất phải khuyến khích về tinh thần, phát triển giáo dục phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng vùng miền. Cơ chế, chính sách phải hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước, nhà đầu tư và chia sẻ rủi ro.

Vấn đề giáo dục và đào tạo là vấn đề khó, vì tác động tới nhiều đối tượng, nhiều người, tới tất cả các gia đình. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp tổng thể giảm bệnh thành tích trong giáo dục để đạt mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, thu hút nhân tài, “học gắn với hành”, khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, từ đào tạo - tuyển dụng - sử dụng nguồn nhân lực.

Cụ thể, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non, trang bị cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy học đang bị thiếu, xuống cấp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp từng địa phương.

Cùng với đó, cần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm bằng giải pháp thiết kế chương trình học, cơ chế thi cử, chế độ đãi ngộ giáo viên phù hợp, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng học dễ thi khó, “học một đằng thi một nẻo”… Sớm công bố phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và phương án các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị.

Ngoài ra, cần có giải pháp để học sinh thích học môn lịch sử, tìm hiểu truyền thống văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của cha ông ta. Thủ tướng nhấn mạnh, môn lịch sử rất quan trọng, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và hiểu biết văn hóa Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu kỹ vấn đề tự chủ giáo dục, không chậm trễ, không nóng vội, thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học; tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước. Đồng thời, lưu ý cần quan tâm theo dõi, sơ kết, tổng kết, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách và khâu tổ chức thực hiện, không để người dân bức xúc.

 

Minh Nhật