Theo Bộ Công an, thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xử phạt VPHC, cụ thể như: Một số hành vi chưa được quy định trong Nghị định hoặc quy định chưa rõ ràng, cụ thể gây khó khăn, lúng túng trong công tác xử lý VPHC; nhiều hành vi vi phạm mức phạt tiền còn thấp, chưa có hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả nên tính răn đe, giáo dục còn hạn chế. 

Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định mới của pháp luật, bảo đảm tính khả thi, tăng cường răn đe, giáo dục cá nhân, tổ chức có hành vi VPHC thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số144/2021/NĐ-CP là cần thiết.

Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 4 điều, cụ thể: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP; Điều 2. Bổ sung, bỏ một số cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP; Điều 3. Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp; Điều 4. Trách nhiệm thi hành.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên tuyên truyền về Luật Phòng chống bạo lực gia đình. (Ảnh minh hoạ)

Về nội dung cơ bản, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm, mức xử phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt trên cơ sở quy định mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Luật Căn cước năm 2023; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2023; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu; Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo… và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. 

Trong đó, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi VPHC về phòng, chống bạo lực gia đình (Mục 4 Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).

Cụ thể, bổ sung xử phạt đối với các hành vi: Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực; Cô lập, giam cầm thành viên gia đình; Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.

Sửa đổi các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 52 (Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình); điểm b khoản 1 Điều 53 (Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình); điểm a khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 55 (Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý).

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung xử phạt đối với các hành vi: Không gửi báo cáo khi có thay đổi các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật; Không thực hiện các yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung đối với hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Không bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ khi có sự thay đổi, cải tạo so với hiện trạng ban đầu; Không lắp đặt phương tiện chiếu sáng tại các vị trí trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng thiết bị thuộc hệ thống báo cháy, chữa cháy; Không duy trì các điều kiện của lối vào từ trên cao để phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Làm mất tác dụng của lối vào từ trên cao phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Không ban hành quy chế hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở,... cho phù hợp với Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản hướng dẫn thi hành và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này…

P.V