Mỗi ngày cung cấp 10.000 suất ăn cho cho các BV dã chiến và người nghèo

Đã thành thói quen suốt gần 3 tháng nay, kể từ khi dịch bệnh lan tràn các tỉnh miền Nam, cứ gần 12h đêm, tôi lại mở điện thoại theo dõi streamline của một người em đáng quý mà rưng rưng xót xa, lo lắng. Bởi khi tôi đang bình yên ôm con trong lòng thì cô ấy đang cùng với các thành viên trong đội cứu trợ oxy (một trong số 4 đội “công tác” của nhóm thiện nguyện Mãn Tự) của mình đang lẻ loi chạy xe trên những con đường vắng, sau xe chất đầy dụng cụ y tế, bình oxy, máy thở để đến với những bệnh nhân F0 đang nguy cấp. Theo dõi live mà thương quá là thương, chỉ có thể ấn gửi những icon biểu đạt sự biết ơn chân thành, để em biết cũng còn có nhiều người đang dõi theo hành trình thiện nguyện của em và các thành viên trong đội.

Người phụ nữ miền Tây lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh có nét môi cười như một mảnh trăng non ấy là Đỗ Thị Ngọc Phượng, trưởng nhóm thiện nguyện Mãn Tự. Có hôm nhằm khi em đang trên đường về thì câu chuyện dọc đường được kể lại với giọng nói khản đặc, nhưng cũng có hôm lại vào đúng lúc đội phải mang oxy đến hỗ trợ khẩn cấp khi có yêu cầu.

leftcenterrightdel
 Tiếp nhận các mặt hàng thiết yếu.

Vừa thao tác thuần thục, vừa cố gắng nói về các bước chăm sóc ban đầu cho người bệnh F0 điều trị tại nhà, tôi hiểu em không phải đang khoe khoang mà chỉ đơn giản là muốn qua đó để mọi người biết thêm những phương pháp đơn giản nhất đê hỗ trợ người thân qua phút ngặt nghèo trong trường hợp chưa được cơ quan y tế. Và lần mới nhất thì em khoe chiếc đầu trọc lóc, bởi đi cứu trợ giữa trời nắng như đổ lửa, lại cường độ cao nên không có nhiều thời gian tắm rửa, cả nhóm quyết định “xuống tóc” luôn cho đỡ phiền.

Là chủ chuỗi nhà hàng chay Mãn Tự khá có tiếng với mô hình “ăn tùy miệng, trả tùy tâm” từng rất đông khách và là địa chỉ quen thuộc của người nghèo, nên hễ nghe nói nơi đâu khó khăn, bấn thiếu là Phượng lại tất bật chuẩn bị hàng hóa để tặng đồng bảo. Tôi đã đi cùng em dọc hành trình miền Trung năm 2020 mà như bị cuốn theo sự nhiệt tâm, mạnh mẽ và quyết đoán của em. Nên chính vì thế, không hề ngạc nhiên khi biết mỗi ngày, bếp ăn từ thiện Mãn Tự nấu trên 10.000 suất ăn cho cho các bệnh viện dã chiến và người dân nghèo trong các khu cách ly, chuyển tặng hàng vạn phần thuốc hỗ trợ điều trị các triệu chứng cảm sốt, tức thở của các F0 điều trị tại nhà, cung cấp hàng ngàn bình ôxi cho những người cần trợ thở…

Phượng bảo, em thật may mắn khi được mọi người thương yêu, tin tưởng và gửi gắm để có thể có được những phần quà trĩu nặng tình đồng bào gửi tới miền Nam. Nhóm có hơn 30 người, chia thành 4 đội phụ trách các phần việc cụ thể gồm đội cứu trợ lương thực SOS, đội cứu trợ oxy, đội cứu trợ chở F0, đội vận chuyển đồ ăn cho các chốt kiểm soát. Rồi ngay trong các đội cũng phân rõ nhóm ô tô, nhóm xe máy, nhóm đóng gói, nhóm bốc vác… Tất cả chỉ có tấm lòng tình nguyện và sự dấn thân vì cộng đồng, không ai đòi hỏi dù chỉ là ưu ái hơn một chia nước, một suất cơm nhiều đồ ăn hơn.

leftcenterrightdel
 Trao suất cơm từ thiện cho người nghèo.

Chị Hồng Yến, một thành viên của nhóm cho biết, mỗi ngày sẽ có tầm 15-20 tấn rau, củ, quả, gạo, mì, và bánh kẹo được các nhà hảo tâm cả cả nước chuyển đến cho Mãn Tự. Thực phẩm được phân loại, đồ ăn liền được ưu tiên gửi đến các bệnh viện, rau, củ, quả và gạo gửi cho bà con trong các khu cách ly và những nơi khó khăn. Một số cần phải sử dụng ngay thì đưa vào suất ăn chín hàng ngày. Bếp Mãn Tự luôn đỏ lửa, số điện thoại xin oxy, xin thuốc reo liên hồi và người đi nối người về… Cứ quần quật từ 4 giờ sáng đến giữa đêm khuya, mặt mày đen xạm, tóc tai vuốt ngược, bù xù mà tinh thần ai nấy đều phấn chấn. Cũng không ít lần các thành viên bị suy nhược cơ thể do thức khuya, việc nặng bị ngất, anh em nhanh chóng sơ cứu, hỗ trợ nghỉ ngơi vài giờ đồng hồ rồi lại dậy cùng mọi người tiếp tục công việc.

Phượng điều hành công việc chung, thuận miệng nói như ngày thường điều hành việc buôn bán ở cửa hàng: “Khu Bảy Hiền đi đơn 78 suất”, “Dưới quận 7 cũng có đơn 80 suất ăn kèm theo đơn 20 phần thuốc”, “Còn ai ở đội “uýnh lẻ” đó không (đội đưa hàng cứu trợ bằng xe máy), có đơn 100 suất rau về Bình Tân đây, ngõ nhỏ lắm ô tô không vô được, anh chị em chịu khó đi mấy chuyến ha…”. “Lại nổ điểm oxy ở Quận 7, Phú Nhuận nữa này mọi người ơi. Bữa nay nổ điểm oxy nhiều quá..” Giọng miền Tây đã khó nghe, lại khản đặc khiến tôi bật cười, và thương quý biết mấy những “đơn hàng 0 đồng” của Mãn Tự. Và những anh bốc vác, chị xe ôm 0 đồng lại nai nịt kỹ càng, khẩu trang, mũ kính chắn giọt bắn đầy đủ lại tất bật lên đường đế những ngõ nhỏ, xóm nghèo đang tả tơi trong đại dịch.

Ngoài số phần cơm “kỷ lục” được nấu hàng ngày, Mãn Tự cũng là đầu mối cung ứng rau củ cho khu phong tỏa. Để hàng hóa đến được đúng điểm cần, sau khi xin ý kiến của chính quyền địa phương, nhóm mới chở rau củ đến bàn giao cho phường, tổ dân phố phát cho người dân. Chị Trần Huỳnh Yến – chi hội trưởng phụ nữ khu phố 1A, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 là 1 vị khách thường xuyên ghé lấy rau tại chợ 0 đồng, chia sẻ: "Chúng tôi lấy rau về, tặng một ít cho bà con trong chốt phong tỏa, một ít cho những hộ dân khó khăn hoặc trong khu phòng trọ ở địa phương. Còn lại, tôi nấu khoảng 150 suất cơm đem tặng.

leftcenterrightdel
Mỗi ngày nhóm tiếp nhận từ 15 - 20 tấn rau, quả, thực phẩm. 

*" Ai chẳng sợ, nhưng sợ cũng không giải quyết được chuyện gì"

Ngày 23/7, sau gần hai tháng lăn lộn trên vỉa hè đầy ắp rau củ hay long dong trên hành trình cứu trợ, vận chuyển người bệnh, một thành viên trong nhóm xuất hiện triệu chứng ho và sốt. Sau khi xét nghiệm đã cho kết quả dương tính, cả nhóm không còn cách nào khác là tạm chủ động cách ly và láy mẫu xét nghiệm. Và ngay buổi chiều đã biết già nửa thành viên trong nhóm đã trở thành F0.

Anh Quyên, F0 đầu tiên giờ đây đã khỏe lại, nói rổn rảng như chưa từng có những ngày “dạo chơi” qua ngõ nhà thần Chết: “Sợ thì cũng sợ, nhưng rồi nghĩ có sợ cũng không giải quyết được chuyện gì. Anh em bảo nhau may là hai tháng nay được luyện rèn bốc vác, dãi nắng dầm sương nên hình như con COVID nó cũng ngán mình, nên sẽ sớm hết bệnh. Tui nằm phòng cách ly mà điện thoại như cái chợ đầu mối, ai làm gì kệ ai, tôi vẫn xin rau và gạo cho bà con, cứ nghĩ bà con đói là mình thấy càng phải thêm cố gắng”.

Bản thân Phượng cũng nhiễm bệnh, chỉ số nồng độ viruts rất cao. “Cảm giác lúc đó nó bất lực và cay đắng vô cùng. Nhất là khi biết nhiều người bạn ở các nhóm thiện nguyện khác đã ra đi vì COVID-19 thì lại càng hoang mang, lo lắng cho người thân, cho chính mình và các thành viên trong đội. Rồi còn day dứt bởi biết bao hàng hóa, rau củ chưa chuyển đi được cho bà con đang chờ… Em vừa tự động viên mình chiến đấu với bệnh tật vừa phải khích lệ tinh thần anh em, cả nhóm quây quần tự chăm lo cho nhau. Ai cũng nỗ lực cả về tinh thần lẫn thể lực, không cho phép mình gục ngã. Giờ em chỉ cầu xin cho mọi người sức khoẻ, bình an. Anh chị em Mãn Tự không ai đau bệnh để có thể tiếp tục cống hiến, đóng góp cho xã hội. Em và mọi người dù còn một hơi thở cũng sẽ sống thật ý nghĩa và làm việc thiện cho đời” - Phượng nói với tôi như vậy qua điện thoại.

leftcenterrightdel
 Trao tặng quà cho Bệnh viện dã chiến.

Cùng với việc hỗ trợ thức phẩm, nhóm Mãn Tự cung cấp khá nhiều đồ dùng phục vụ sinh hoạt cho lực lượng ở tuyến đầu. Hầu hết các thành viên của nhóm đều tự minh trải qua bệnh dịch hoặc chứng kiến người thân mắc bệnh nên họ hiểu các y bác sĩ là những người trực tiếp chăm sóc người bệnh, khối lượng công việc và áp lực là rất lớn. Chính vì thế Mãn Tự luôn ưu tiên các nhu cầu cấp thiết của nhân viên y tế tại các bệnh viện.

Những chuyến xe chất đầy nước rửa tay, xà bông, dầu gội, bột giặt, nước xả vải xếp hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, sẵn sàng đến với các bệnh viện. Trang thiết bị như máy thở, bình oxy và cây nước nóng lạnh cũng là một trong những mặt hàng được nhóm xếp vào danh mục thiết yếu, được chuẩn bị để cung ứng bất cứ khi nào có yêu cầu. Tính đến ngày 15/8, đã có 55 cây nước nóng cùng hàng trăm bình oxy cỡ lớn và một số máy thở được nhóm gửi tặng các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Những ca nặng cần đến oxy, Phượng lập tức lên đường dù là giữa đêm khuya. Từ các bệnh viện dã chiến đến những gia đình đang tự điều trị F0 tại nhà. Một nhóm 3 người cứ đi lặng thầm trong đêm như thế. Vốn đã từng là người bệnh, hiểu được quy trình chăm sóc bệnh nhân Covid cơ bản, đồng thời cũng đã được các bác sĩ của bệnh viện dã chiến hướng dẫn cho một số biện pháp cấp cứu đơn giản nên các thành viên đội và thao tác thành thục đội cứu trợ oxy, đội cứu trợ chở F0.

Duy, cậu thanh niên có vóc người ròm ròm mà sức bền “20 tiếng/ngày vẫn chạy tốt” ôm một lúc hai bình oxy to chà bá vào ngõ nhỏ. Bệnh nhân nặng sẽ được nhóm ưu tiên cấp cho bình to để hỗ trợ thở thời gian dài hơn. Rồi dịu dàng dỗ dành người bệnh thực hiện theo hướng dẫn và dặn dò người nhà bệnh nhân sử dụng bình cho đúng cách.

Và cũng chính Duy, cùng những anh em khác sẵn sàng ghé bờ vai, tấm lưng gầy của mình để cõng dìu người bệnh nặng đưa đi cấp cứu. Bộ đồ bảo hộ lùng nhùng ướt dính mồ hôi, đường xa thì dùng cáng, đường gần thì bế chạy cho lẹ, rồi những ngõ nhỏ lắt léo thì dùng xe máy chở người bệnh len lỏi mà đi, những gác cao, cầu thang dốc đứng thì người kéo trên, người đỡ dưới mà xuống dần… Suốt gần 3 tháng qua, có những cụ bà chỉ còn da với xương, có những cô bác hì nặng cả tạ, có cả những thanh niên to khỏe, vâm váp đã giành giật lại được mạng sống của mình từ chính những bờ vai, đôi tay gầy ấy

“Buồn lắm, bữa nay có người kêu cấp cứu mà qua không qua được vì oxy về trễ, sau 1 tiếng gọi lại báo có thể đến được rồi thì lặng đi khi đầu dây kia báo đã mất 2 người. Chỉ biết xin chia buồn với gia đình thôi. Mà cũng ấm ức vì nhiều nơi, nhóm em  mang  bình oxy đến hỗ trợ rồi sau đó họ không trả lại bình cho mình luôn, nên mới không có bình để đến cho trường hợp khẩn cấp - Phượng nói như muốn khóc, rồi chỉ tay sang bác tài nói vui để xua đi cảm giác trĩu nặng -  Cả nhà ơi hiếm có bác tài nào chạy xe kiểu anh Phúc trọc này á, nồng độ oxy của bệnh nhân càng thấp thì xe chạy càng nhanh, càng chuẩn và tìm đường cũng nhanh nữa. Giờ đã 12 giờ khuya, em chúc cả nhà mình ngủ ngon nha. Giờ em về nghỉ ngơi một chút, kẻo có người gọi thì lại chạy đi nữa.”

LỄ SINH NHẬT ĐẶC BIỆT

Tối 18/8, vừa lái xe chở oxy cho bệnh nhân, anh Nguyễn Tuấn Lĩnh vừa thấp thỏm bởi tối nay là sinh nhật cô con gái bé nhỏ của anh. Ba mẹ tham gia thiện nguyện, rồi cả nhà cùng trở thành bệnh nhân COVID, bé Nguyễn Ngọc Bảo Vy chưa tròn 5 tuổi đã trở thành F0 nhỏ nhất của Mãn Tự. Các thành viên của Mãn Tự xin phép cộng đồng được một buổi tối nghỉ ngơi để tổ chức lễ sinh nhật cho cô bé. Những ngọn nến được thổi sau lời cầu nguyện dễ thương của trẻ thơ “Con ước cho ba mẹ và các ông bà, cô chú ở Mãn Tự bình an, con ước cho mọi người bị bệnh mau khỏe mạnh, mau hết dịch và con hay ăn chóng lớn”. Cũng trong bữa tiệc ấm cúng, thoáng thấy vẫn có những người ăn vội rồi lặng lẽ rời đi vì có “điểm nổ” mới đang cần trợ giúp.

Mong cho bé Bảo Vy và hàng triệu trẻ em trên đất nước này sẽ luôn hồn nhiên và thiện lành như thế. Và mong cho nụ cười của các em trong những ngày tháng tới sẽ không phải giấu sau những chiếc khẩu trang.

 

 


Nhà văn Phạm Vân Anh