Đất “thép” trong thời chiến
|
|
Củ Chi đất thép thần đồng với nhiều thay đổi sau ngày giải phóng. |
Huyện Củ Chi nằm ở hướng Tây Bắc TP.HCM. Củ Chi vốn là vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất, địa danh được coi là biểu tượng cho vùng đất anh hùng là Địa đạo Củ Chi. Hệ thống phòng thủ trong lòng đất dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi, bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc…
Địa đạo Củ Chi trong thời chiến tranh đã hỗ trợ cho tiền tuyến cũng như là căn cứ địa cách mạng. Theo số liệu thống kê, trong 20 năm chiến đấu chống Mỹ cứu nước, quân và dân Củ Chi đã tiêu diệt và làm bị thương 20 nghìn quân địch, hơn 5.000 xe tăng, xe bọc thép bị phá hủy; bắn rơi, phá hỏng, bắn chìm và làm cháy rất nhiều tàu chiến, máy bay của địch. Đế quốc Mỹ đã trút xuống đây 500.000 tấn bom đạn và tiến hành hàng ngàn trận bố ráp, giày xéo. Và vì thế, vùng đất này cũng đau đớn ôm vào lòng mình hàng chục nghìn liệt sĩ đã nằm xuống để bảo vệ vùng đất linh thiêng của tổ quốc.
|
|
Trang trại bò sữa cho người dân đất "thép" thu nhập cao. |
Sau ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn giải phóng Củ Chi đã có hàng ngàn dũng sĩ diệt Mỹ, 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 2.064 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Và miền đất này chỉ còn lại là vùng đất hoang tàn nghèo khó.
Giàu nhờ nuôi bò, trồng lan
Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, vùng đất thép năm xưa đang tiếp tục thực hiện nâng chất các tiêu chí nông thôn mới theo tiêu chí đặc thù của thành phố: thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh đã phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng. Xây dựng nền nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Đến nay trên địa bàn huyện có 4.268 doanh nghiệp và chi nhánh đăng ký hoạt động.
Những khu nông nghiệp công nghệ cao phục vụ ngành trồng trọt đã được hình thành và cho tới thời điểm hiện tại quy mô diện tích 88,18 ha tại xã Phạm Văn Cội với nhiều mô hình sản xuất như trồng nấm và chế biến nấm, tạo giống lan… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn huyện được tiếp cận để tìm hiểu, học tập ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 36 tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau với diện tích 586 ha, 11 đơn vị trồng lan ứng dụng công nghệ cao với diện tích 4,25 ha, 41 cơ sở nuôi cá kiểng ứng dụng công nghệ cao với diện tich 18,5 ha, 9 cơ sở chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao với tổng đàn 17.728 con heo, 11 hộ chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao quy mô 765 con.
|
|
Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi bền vững của Củ Chi đất thép thần đồng. |
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Bé (ấp Bến Đồ 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) cho biết: “Sau ngày giải phóng miền Nam vùng đất Củ Chi bị tàn phá hoang tàn, vỏ bom đạn nằm phủ kín mặt đất, nhưng với ý chí kiên cường người dân và chính quyền cùng đứng lên lần nữa đoàn kết giúp nhau cải thiện cuộc sống. Gia đình tôi đến nay không nhớ rõ đã có bao nhiêu người trên khắp cả nước đến tham quan mô hình, học hỏi kỹ thuật chăm sóc và đặt mua giống để khởi nghiệp làm kinh tế, không chỉ trong nước mà các đoàn từ nước ngoài cũng tìm đến để trao đổi kinh nghiệm…”
Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Hồng Nhật (chủ trang trại bò sữa ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) chia sẻ: “Sau ngày giải phóng vùng đất Củ Chi rất hoang tàn, nhưng vì càng khó khăn người dân Củ Chi càng kiên cường mạnh mẽ hơn. Hiện nay gia đình tôi nuôi hơn 80 con bò sữa, với gia bán trung bình mỗi ký được 14.000 đồng thì mỗi ngày vợ chồng tôi cũng có thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng. Từ đó gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu nâng cao đời sống gia đình và xã hội”.
Chia sẻ về những thay đổi, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết: “Sau 44 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Củ Chi tự hào trước nhiều đổi thay phát triển của quê hương địa đạo, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và Củ Chi được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố. Trong suốt thời gian qua Đảng bộ và nhân dân luôn sát cánh vượt qua mọi khó khăn, một lòng đoàn kết xây dựng quê hương đổi mới, ổn định và phát triển.
Nhằm tạo thu nhập ổn định cho lao động trên địa bàn, huyện đã kết hợp công tác đào tạo nghề gắn với công tác giải quyết việc làm, hàng năm huyện đã giải quyết việc làm cho từ 11.000 đến 12.000 lao động/năm vào các công ty, xí nghiệp. Năm 2018, huyện đã giải quyết việc làm cho 12.163 lao động trong đó tạo việc làm mới là 6.033 lao động”.
Vậy là, 44 năm sau chiến tranh, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ chi, trong đó có những người nông dân cần mẫn, sáng tạo đã làm cho Củ Chi “thay da đổi thịt”, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp chất lượng cao của thành phố mang tên Bác.