Là huyện miền núi với hơn 51% đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhiều năm liền Lục Ngạn là địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu toàn tỉnh về công tác phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Riêng đợt cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện vừa qua, Lục Ngạn tiếp tục phủ sóng thêm 900 người, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao.
Chỗ dựa cho người lao động khi về già
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của BCH T.Ư Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH; Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 2/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, thời điểm này, huyện Lục Ngạn có gần 7 nghìn người đóng BHXH tự nguyện.
Cụ thể, trong đợt cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện năm 2024 (từ ngày 1/4 đến 31/5), toàn huyện đã phát triển được thêm 900 người, đạt gần 117,5% kế hoạch UBND tỉnh giao; có 14/29 xã, thị trấn hoàn thành vượt mức kế hoạch, một số xã có kết quả cao như: Trù Hựu, Hồng Giang, Kiên Thành, Phì Điền, thị trấn Chũ... Đáng chú ý, nhiều xã vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã nỗ lực hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu như: Đèo Gia 125%, Tân Mộc 112,5%, Sa Lý hơn 105%…
|
|
Đại diện BHXH huyện Lục Ngạn trao sổ BHXH tự nguyện cho người tham gia. |
Tại thôn Hải Yên, xã Trù Hựu, từ chỉ một vài người biết và tham gia BHXH tự nguyện thì nay đã có hơn 30 người, trong đó một số người đã nhận được lương hưu. Đây là những lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (nông dân, buôn bán nhỏ, lao động tự do…) nhưng với nguyện vọng được hưởng lương hưu và chế độ chăm sóc sức khỏe khi về già, họ đã dành một phần thu nhập để tham gia BHXH tự nguyện.
Đã nhiều năm nay, vợ chồng ông Dương Đức Quang (SN 1968) và bà Bùi Ngọc Minh (SN 1973) ở thôn Hải Yên cùng tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng mỗi người gần 500 nghìn đồng/tháng. Ông Quang cho biết: “Vợ chồng tôi làm nông nghiệp, có làm thêm nghề may. Qua tư vấn của cán bộ BHXH, thấy Nhà nước có chính sách an sinh cho những người như chúng tôi để được hưởng lương hưu khi về già mà không phải phụ thuộc nhiều vào con cháu nên vợ chồng tôi yên tâm tham gia. Hiện tại, vợ tôi đã đóng BHXH tự nguyện được 5 năm, còn tôi được 3 năm với phương thức nộp tiền hằng tháng”.
Bà Trịnh Thị Tự (SN 1967), thôn Hải Yên đóng BHXH tự nguyện từ năm 2008 (năm đầu tiên triển khai loại hình này), mới đây đã được nhận lương hưu với mức gần 1,8 triệu đồng/tháng. Bà Tự phấn khởi cho biết: “Chính sách BHXH tự nguyện đem lại lợi ích rất rõ, là cơ hội để mọi người có thể nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Thấy được tính ưu việt ấy nên tôi đã vận động thêm anh trai và 4 cháu họ cùng tham gia”.
Tương tự, năm 2023, anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1982) chủ cơ sở chế biến gỗ ở thôn Ruồng, xã Đèo Gia cũng đóng BHXH tự nguyện với mức 10 triệu đồng/năm. Mới đây anh vận động thêm bố mẹ cùng tham gia bảo hiểm theo hình thức này.
Nỗ lực vượt khó đưa chính sách đến người dân
Những năm gần đây, điều kiện kinh tế cũng như nhận thức của người dân tốt hơn nên việc tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Lục Ngạn chuyển biến tích cực. Theo ông Đỗ Ngọc Hanh, Phó Giám đốc BHXH huyện, để đạt kết quả trên, đơn vị đã tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tham gia. Ví như đợt cao điểm vừa qua, đơn vị treo 33 băng zôn tuyên truyền trên các trục đường chính, trung tâm xã, thị trấn và cấp phát hơn 10 nghìn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về BHXH tự nguyện.
Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở (2 lần/ngày). Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, qua đó góp phần củng cố, tạo niềm tin, giúp người dân hiểu rõ chính sách nhân văn, vai trò, lợi ích của BHXH tự nguyện.
Đơn vị cũng phối hợp với Bưu điện huyện và các xã, thị trấn tổ chức 24 hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã: Kiên Lao, Biên Sơn, Sơn Hải, Thanh Hải, Phượng Sơn, Tân Mộc, Phì Điền, Biển Động...
|
|
Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đặc biệt là đối với những người lao động trong độ tuổi và những đồng bào dân tộc thiểu số. |
Tuy đạt nhiều kết quả nhưng theo đại diện lãnh đạo huyện Lục Ngạn, trong triển khai thực hiện phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đặc thù là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập của người dân phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo mùa vụ. Ví như năm nay, sản lượng vải thiều của huyện giảm mạnh dẫn tới nguồn thu nhập chính của người dân bị ảnh hưởng, tác động lớn đến khả năng tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại cơ sở chưa thực sự sâu sát trong chỉ đạo, điều hành; hằng tuần không kiểm điểm tiến độ thực hiện dẫn đến có thời điểm, kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về chính sách BHXH tự nguyện chưa đầy đủ, còn nhầm lẫn với các loại hình bảo hiểm thương mại khác.
Huyện Lục Ngạn đề ra mục tiêu, đến năm 2025 có hơn 5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện (gần 9 nghìn người). Để hoàn thành chỉ tiêu trên, BHXH huyện sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung hướng dẫn, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục quan tâm phối hợp với Bưu điện huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê các nhóm đối tượng tiềm năng để tuyên truyền, vận động.
Đồng thời mở các đợt cao điểm tuyên truyền sâu rộng về chính sách BHXH tự nguyện đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn người dân tham gia BHXH tự nguyện thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia; thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm đúng đối tượng, chế độ. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng các hình thức, phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân có nhu cầu.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, huyện Lục Ngạn đang từng bước khẳng định vị thế trong công tác phát triển BHXH tự nguyện. Sự thành công trong việc nâng cao số lượng người tham gia BHXH tự nguyện không chỉ là một chỉ tiêu kinh tế, mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đặc biệt là đối với những người lao động trong độ tuổi và những đồng bào dân tộc thiểu số.