Hơn 20 năm xảy ra gần 60.000 vụ cháy, nổ

Số liệu cho thấy, từ năm 2001 đến năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 59.878 vụ cháy, nổ (trong đó xảy ra 49.724 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân...; 344 vụ nổ và 9.810 vụ cháy rừng), làm chết 1.910 người, bị thương 4.434 người; về tài sản ước tính trị giá 26.152 tỉ đồng và 61.138 ha rừng có giá trị kinh tế.

Qua thống kê số liệu vụ cháy, nổ cho thấy trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp dẫn đến tần suất xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn ngày càng tăng, cụ thể so sánh giai đoạn 2012-2022 với giai đoạn trước 2001-2011, số vụ cháy, nổ tăng 13,5% (31.828 vụ giai đoạn 2013-2022/28.050 vụ giai đoạn 2001-2011), thiệt hại về người tăng 39,4% (1.112 người giai đoạn 2013-2022/798 người giai đoạn 2001-2011), thiệt hại về tài sản tăng 382,4% (21.661,3 tỉ đồng giai đoạn 2013-2022/4.490,6 tỉ đồng giai đoạn 2001-2011).

Từ năm 2013 đến năm 2022, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp tham gia tổ chức 20.857 vụ CNCH; tổ chức cứu được 6.468 người, tìm được 3.129 thi thể nạn nhân (do các vụ như tai nạn giao thông, đuối nước, tự tử…) bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. 

Sau hơn 20 năm thực hiện Luật PCCC, 10 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, các chủ trương, chính sách và pháp luật về PCCC và CNCH đã đi vào thực tiễn cuộc sống, công tác PCCC và CNCH là một bước quan trọng, góp phần nâng cao ý thức của người dân, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Hơn 20 năm qua, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành 12 Nghị định lĩnh vực PCCC và CNCH, phối hợp với đơn vị chức năng tham mưu Chính phủ ban hành 10 Nghị định liên quan đến lĩnh vực PCCC và CNCH. Bộ Công an ban hành theo thẩm quyền 31 Thông tư; phối hợp với các bộ, ngành ban hành nhiều Thông tư có nội dung quy định về PCCC... 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Đối với các địa bàn, cơ sở có nguy cơ xảy cháy, nổ, sự cố, tai nạn cao, định kỳ hằng năm, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tăng cường tổ chức kiểm tra theo các chuyên đề trọng điểm như chợ, trung tâm thương mại, chung cư, nhà cao tầng, cơ sở hóa chất, xăng, dầu, rừng... UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC và CNCH... 

Trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ nguyên nhân 27.743 vụ cháy (chiếm tỉ lệ 93,7%); còn 1.853 vụ đang tiếp tục điều tra. Đối với các vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời khởi tố, điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC.

Điển hình như vụ cháy ngày 19/3/2014 tại Chợ Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên; vụ cháy ngày 1/11/2016 tại quán Karaoke số 68, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; vụ cháy 29/7/2017 tại xưởng sản xuất sô-cô-la ở xã Đức Thượng, Huyện Hoài Đức, TP Hà Nội; vụ cháy vụ cháy quán Karaoke An Phú ngày 6/9/2022, tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương….

Các cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử 70 vụ án, truy tố 59 bị can vi phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC; đã lập 189.707 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 184.373 trường hợp vi phạm về PCCC với tổng số tiền nộp ngân sách là 959,18 tỉ đồng; tạm đình chỉ 9.709 trường hợp, đình chỉ 7.385 trường hợp và phạt cảnh cáo 1.496 trường hợp vi phạm. Kết quả đó đã góp phần đáng kể ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC.

Tập trung giải quyết đối với 2 nhóm chính sách về PCCC và CNCH 

Theo cơ quan chủ trì xây dựng, bên cạnh những thành tựu đạt được, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống lý luận và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, một số nội dung trong Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC đã bộc lộ hạn chế, bất cập so với yêu cầu thực tiễn.

Cụ thể như: Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn; một số quy định của Luật có tính khả thi chưa cao hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về PCCC, CNCH và các văn bản khác có liên quan.

Để đạt được các mục tiêu đã được xác định, sau khi rà soát các quy định của Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực CNCH, cùng hệ thống pháp luật hiện hành; xuất phát từ yêu của thực tiễn, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật PCCC và CNCH tập trung giải quyết đối với 2 nhóm chính sách gồm: Hoàn thiện các quy định về PCCC và CNCH; Quy định phân công trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.

Một trong những giải pháp được nêu lên đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và CNCH. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Tổ chức lồng ghép kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học. Hướng dẫn lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành và dân phòng triển khai thực hiện tốt công tác PCCC tại cơ sở, địa bàn.

Đồng thời, duy trì và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH. Tổ chức tập huấn, huấn luyện PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, cơ sở, chuyên ngành và các đơn vị ngoài lực lượng đúng quy định. Kiện toàn tổ chức lực lượng PCCC và CNCH tại chỗ để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn ngay từ khi mới phát sinh.

Điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ, khởi tố, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự các trường hợp vi phạm nghiêm trọng theo quy định. Tổ chức rút kinh nghiệm các vụ cháy, kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khắc phục những sơ hở, thiết sót, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Hoàn thành lập quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa phương...

P.V