Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ các bộ, ngành, UBND, Công an các đơn vị, địa phương cấp đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo, triển khai Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành rộng rãi, hiệu quả, qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã có những chuyển biến rõ rệt, tình trạng tội phạm chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được kiềm chế. 

Có thể nói, việc triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã bảo đảm được yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng triệt phá đường dây chế tạo, mua bán trái phép vũ khí quy mô lớn. (Ảnh minh hoạ)

Cũng theo cơ quan chủ trì, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm đáp ứng các mục tiêu đó là: Phục vụ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ thủ tục không cần thiết và cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng xác thực, chia sẻ trong giải quyết thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. 

Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho cơ quan điều tra khi trang bị, quản lý, sử dụng Ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt phục vụ khống chế, làm giảm khả năng kháng cự của đối tượng, đảm bảo an toàn cho lực lượng thi hành nhiệm vụ trong quá trình thẩm vấn những đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.

Tận dụng nguồn lực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ làm hiện vật trưng bày, triển lãm.

Quy định thống nhất cách thức quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hướng cấp giấy phép sử dụng và không quy định thời hạn giấy phép.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Trên cơ sở tiếp tục kế thừa các chính sách hiện hành còn hiệu quả, phù hợp với thực tiễn quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Công an đề xuất 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Cụ thể, chính sách 1: Cắt giảm, đơn giản hoá giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phục vụ sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nhằm cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.

Chính sách 2: Bổ sung Ghế thẩm vấn đối tượng đặc biệt vào khái niệm công cụ hỗ trợ.

Chính sách 3: Cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng; cho phép mua bán, trao đổi, cho, tặng, phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm.

Chính sách 4: Sửa đổi, bổ sung Điều 21, 26 và 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo hướng không quy định thời hạn giấy phép sử dụng, chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

Chính sách 5: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kính tế - xã hội.

Trước đó, theo dự thảo báo cáo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho thấy, trong 5 năm, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 13.458 vụ, 22.097 đối tượng; thu 4.975 khẩu súng các loại, gồm: 692 súng quân dụng; 236 súng thể thao; 4.017 súng tự chế; 706.169 viên đạn các loại; 321 lựu đạn, bom, mìn; 27.165,8 kg thuốc nổ; 106.564 kíp nổ; 8.014 m dây cháy chậm, 5.047,3 kg tiền chất thuốc nổ; 15.249 công cụ hỗ trợ; 28.023 vũ khí thô sơ; 21.635 bộ linh kiện lắp ráp vũ khí. Trong đó: Xử lý hình sự 4.143 vụ, 8.104 đối tượng (khởi tố 2.142 vụ, 4.504 bị can; truy tố, xét xử: 2.001 vụ, 3.600 đối tượng); xử lý hành chính 8.216 vụ, 11.262 đối tượng, phạt tiền 52.633.065 triệu đồng; đang điều tra, xử lý khác 1.099 vụ, 2.731 đối tượng.
P.V