Sửa đổi những vướng mắc, bất cập của Luật NVQS 2015
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, ngày 16/12/2022, Ủy ban QP&AN đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng trao đổi về dự kiến thời gian, nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Bộ Quốc phòng đã có văn bản trả lời Ủy ban QP&AN, trong đó xác định trên cơ sở kết quả tổng kết và lộ trình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Bộ Quốc phòng sẽ xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam cho phù hợp.
Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, Quân đội đang thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Sau khi ổn định tổ chức, biên chế, Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu, xem xét sửa đổi đồng thời Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam và Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, hiện nay Quân đội đang tổng hợp ý kiến cử tri để trước mắt sửa Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) 2015. Hiện nay Luật này có những bất cập, việc sửa luật cố gắng làm sao để thu gọn đối tượng tạm miễn, tạm hoãn nghĩa vụ một cách tương đối.
“Chúng tôi nhận rất nhiều ý kiến của cử tri làm sao để tạo công bằng xã hội nhưng rất khó. Các thanh niên của chúng ta đến tuổi nhập ngũ hiện 1 năm cả Quân đội và Công an lấy vào chỉ 3,4% số thanh niên đến tuổi nhập ngũ, số lượng rất ít”, Thượng tướng phân tích.
Vì vậy, tới đây sửa luật sẽ hướng tới làm sao thu hút được những thanh niên có trình độ để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới này.
Theo tổng hợp của Bộ Tư pháp, sau hơn sáu năm đi vào cuộc sống, Luật NVQS đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập về các vấn đề như: Quy định về việc đăng ký NVQS; quy định về các trường hợp tạm hoãn gọi nhập ngũ và bất cập về số lần gọi nhập ngũ trong năm…
Theo đó, hiện nay còn tình trạng công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS không đăng ký di chuyển NVQS từ địa phương nơi đăng ký NVQS lần đầu đến nơi làm việc mới. Hoặc việc thực hiện đăng ký di chuyển NVQS khi nhập học và đăng ký di chuyển sau khi tốt nghiệp về địa phương, đến nơi làm việc hoặc thôi học chưa chặt chẽ. Công tác đăng ký, quản lý NVQS tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học chưa thành nền nếp.
Việc tuyển quân một đợt trong năm dẫn đến tình trạng một số đơn vị quân, binh chủng kỹ thuật thiếu hạ sĩ quan, binh sĩ là nhân viên chuyên môn kỹ thuật (trong khoảng thời gian huấn luyện chiến sĩ mới và thời gian đào tạo chuyên môn kỹ thuật) nhiều hơn so với tuyển quân hai đợt/năm.
Đối với quy định về tạm hoãn gọi nhập ngũ, hiện Điều 41 của Luật quy định là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động thì được xem xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, quy định “người không còn khả năng lao động” thiếu chi tiết, dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện xét duyệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, ảnh hưởng công bằng xã hội. Bởi theo Bộ Quốc phòng, người không còn khả năng lao động, được hiểu là người suy giảm % khả năng lao động, cũng có thể hiểu là người đã hết tuổi lao động, có lương hưu, không có lương hưu...
Điều 41 cũng quy định công dân đang được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo. Tuy nhiên, những trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng công dân lợi dụng để trốn tránh gọi nhập ngũ…
Dự kiến, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật NVQS 2015 sẽ trình Chính phủ xem xét trong tháng 12/2023; trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
|
|
Sửa luật sẽ hướng tới làm sao thu hút được những thanh niên có trình độ để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới. Ảnh minh hoạ, nguồn Internet |
Quân đội chưa xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu
Nói về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu trong Quân đội, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết: “Đặc thù nhiệm vụ của Công an khác với Quân đội. Nếu chúng tôi mà tăng tuổi hưu lên thì hiện nay chỉ có 11 chức danh cơ bản theo hình chóp. Ở trên tăng tuổi nghỉ hưu thì dưới cũng phải tăng hết. Như vậy không đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ”.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phân tích thêm, thực tiễn những ai ở trong Quân đội hoặc đến thăm các đơn vị của Quân đội thì sẽ thấy điều này. Các cán bộ Trung đội trưởng, cán bộ trung đội, cán bộ đại đội và cán bộ tiểu đoàn là những người quản lý trực tiếp bộ đội. Bộ đội làm gì thì cán bộ thực hiện việc đó, từ khi báo thức đến tối đi ngủ và kể cả khi bộ đội đi ngủ thì cán bộ thức để viết bài phục vụ cho huấn luyện hôm sau.
“Họ giống như giáo viên, tối viết giáo án, ban ngày huấn luyện. Đặc biệt khi diễn tập là hành quân đi bộ hết. Cho nên tăng tuổi hưu lên thì cán bộ không đủ sức bám theo bộ đội”, Tổng Tham mưu trưởng lý giải. Vì vậy, bên Quân đội sẽ nghiên cứu từng bước để sửa luật phù hợp với đặc thù Quân đội.