Thực trạng đáng báo động.

Trong tháng 9/2022, khi bắt đầu năm học mới, VKSND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã phải phê chuẩn quyết định khởi tố đối với 1 nữ sinh mới học lớp 11 vì đã có hành vi làm nhục người khác, theo khoản 1 Điều 155 - BLHS.

Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ việc này là theo yêu cầu của gia đình bị hại, bởi sự việc khiến gia đình và dư luận địa phương hết sức bức xúc.

Nữ sinh bị khởi tố là Chu Thị Thu H. (SN 2006, học sinh lớp 11E, Trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Hương Sơn). Hành vi của nữ sinh Chu Thị Thu H diễn ra vào chiều ngày 8/8, tại khu vực thôn Ngọc Sơn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn. Tại đây Chu Thị Thu H đã có hành vi đánh đập, dùng kéo cắt và lột hết quần áo của em B.T.B.H (SN 2007, trú cùng huyện Hương Sơn), mặc cho nạn nhân khóc lóc van xin.

Sự việc được một người chứng kiến, dùng điện thoại quay lại. Clip này sau đó được phát tán trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ trước hành vi của nữ sinh mới 16 tuổi.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh học sinh đánh bạn, lột quần áo bạn giữa đường ở Hương Sơn.

Sự việc nữ sinh này bị khởi tố chưa kịp lắng xuống, thì trước ngày khai giảng năm học 2022 – 2023 đúng 1 ngày, dư luận địa phương tiếp tục xôn xao, phẫn nộ trước hành vi một nhóm nữ sinh cấp 2 đánh đập, lột quần áo nữ sinh khác ở thị trấn huyện Thạch Hà.

Sự việc xảy ra vào sáng ngày 4/9. Nữ sinh bị hành hung là N. T. T. T. (lớp 8, trú tại tổ dân phố 8 thị trấn Thạch Hà). Buổi sáng hôm đó, một nhóm học sinh trường THCS Phan Huy Chú đã đến nhà T. và chở T đi. Khi đưa đến nơi vắng vẻ, nhóm học sinh này đã dừng xe lại, giật điện thoại, lột quần áo và đánh đập vào vùng mặt em T, mặc cho T nhiều lần kêu van, xin tha nhưng nhóm nữ sinh không chịu dừng lại.

Không lột quần áo, đánh bạn như nữ sinh, nhóm nam sinh mới vào lớp 10 đánh bạn tập thể ở TP Hà Tĩnh vào đầu tháng 8/2022 thì bạo lực hơn, khi cả nhóm nam sinh học khác ở địa phương đã dùng mũ bảo hiểm, đánh, đạp vào đầu 1 nam sinh lớp 10, khiến nam sinh này phải nhập viện.

Sự việc xảy ra vào ngày 5/8, tại đường La Sơn Phu Tử, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh. Nam sinh B.A học lớp 10 trước đó có xảy ra một số xích mích với một em học sinh ở một ngôi trường khác. Đến chiều ngày 5/8, nam sinh B.A. và học sinh này hẹn nhau đến một địa điểm trên đường La Sơn Phu Tử để giảng hòa. Sau khi hai em này ra về thì bất ngờ một nhóm 6 thiếu niên đến tấn công, đánh đập em B.A.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh nhóm nam sinh đánh bạn ở TP Hà Tĩnh.

Hầu hết, các học sinh bị đánh đập, làm nhục nói trên, đều sợ hãi, không dám thông báo với gia đình. Chỉ đến khi clip được quay lại, đưa lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc, gia đình mới biết và truy hỏi nguyên nhân, sự việc và báo với chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý.

Những clip được quay lại và đưa lên mạng xã hội, cho thấy những học sinh bị đánh đập đều bị đánh đập tập thể, hành vi đánh đập rất dã man như dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, dùng chân đạp vào mặt, vào đầu. Có học sinh còn bị lột quần áo, đánh đập ngay giữa đường, giữa thanh thiên bạch nhật.

Nguyên nhân và giải pháp.

Hầu hết, các vụ đánh đập hội đồng diễn ra trong giới học sinh, đều xuất phát từ những mâu thuẫn, xích mích rất nhỏ nhặt. Nhiều khi, chỉ vì bất đồng trong sinh hoạt ở trường lớp, ngoại khóa, hoặc chỉ vì chấp nhau câu nói khi tương tác trên mạng xã hội, những học sinh mới đang độ tuổi dậy thì, vị thành niên đã sẵn sàng hẹn nhau “thách đấu”, cùng kéo hội kéo thuyền đi đánh nhau tập thể.

Thực trạng này, có nhiều nguyên nhân, ngoài việc có 1 số học sinh cá biệt, sinh trưởng trong môi trường thiếu giáo dục, có sự buông lỏng quản lý, giám sát, sớm tiêm nhiễm thói hư, tật xấu như côn đồ, thì phần lớn xuất phát từ tâm lý bất ổn ở tuổi dậy thì, vị thành niên.

Ở lứa tuổi này, theo như nhiều bác sỹ tâm lý đã nhận định, thì học sinh luôn muốn thể hiện cái tôi bản năng, khao khát khẳng định mình, cả trong học tập cũng như hành xử. Và hành xử bạo lực của lứa tuổi học sinh cấp 2, cấp 3 luôn đến từ sự bồng bột, bị kích thích bởi đám đông, hội hè, dẫn đến không kiểm soát được hành vi khi bị kích động. Các em sẵn sàng hành xử thô bạo, tàn ác với nhau.

Là bố của học sinh đánh bạn, Anh P ở TP Hà Tĩnh cho biết rất bất ngờ khi nhận được thông tin con mình cùng bạn bè kéo nhau đi đánh hội đồng bạn khác. Anh cho biết, ở nhà cháu rất ngoan và luôn nghe lời bố mẹ.

“Từ sự việc đã xảy ra, gia đình rất buồn và lo lắng. Trước hết là thăm hỏi, động viên gia đình, chăm lo cho học sinh bị đánh. Sau nữa là phải nắm bắt tâm lý để uốn nắn, dạy dỗ con trai mình. Bình thường ở nhà nó rất ngoan, nghe lời bố mẹ. Nhưng đi học, ở ngoài đường thì mình không thể giám sát con 24/24h được, do đó nếu nó chơi với bạn xấu thì rất dễ nhiễm thói hư tật xấu. Cái này, ngoài trách nhiệm của gia đình, còn là của nhà trường và các hội, đoàn ở trường ở lớp” – Anh P cho biết.

leftcenterrightdel
 Công an Hà Tĩnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và bạo lực học đường cho học sinh. Ảnh BHT.

Về phía Cơ quan chức năng, Lãnh đạo Công an TP Hà Tĩnh cho biết, sau sự việc học sinh đánh bạn, phía đơn vị đã chỉ đạo Công an phường triệu tập nhóm học sinh có hành vi đánh bạn lên để làm việc, xử lý răn đe.

“Ở lứa tuổi các cháu, hành vi đánh bạn thường xảy ra bởi sự kích động trẻ con, hành động bồng bột, không suy nghĩ. Cơ quan chức năng, nhà trường cần phải có trách nhiệm răn đe, xử lý, nhưng cũng cần phải nắm bắt tâm sinh lý, tìm hiểu kỹ nguyên nhân, để từ đó có biện pháp động viên, giáo dục, uốn nắn kịp thời, bởi các cháu đều đang ở lứa tuổi học sinh, còn cả một tương lai phía trước”.

Được biết, ở Hà Tĩnh nhiều năm này đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục để ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn, thân thiện cho học sinh. Hiện tại, đã có hơn 30 trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thành phố thành lập câu lạc bộ hoặc triển khai diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”.

Trao đổi với báo chí, luật sư Phan Văn Chiều - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Bạo lực nói chung, bạo lực học đường nói riêng, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt hành chính, xử lý dân sự hoặc xử lý hình sự. "Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự, tội cố ý gây thương tích có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm; theo Điều 155 Bộ luật Hình sự, tội làm nhục người khác có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm”.

Để hạn chế các vụ bạo lực, tránh cho các em nguy cơ phải đối mặt với những hậu quả không mong muốn, luật sư Phan Văn Chiều cũng cho rằng, cha mẹ phải là người sâu sát, nắm bắt tâm lý của con em mình; có sự phối hợp chặt chẽ với giáo viên để kịp thời định hướng, tháo gỡ những khúc mắc trong cuộc sống hằng ngày của trẻ. Đồng thời, nhà trường, các tổ chức đoàn thể cần tạo nhiều sân chơi bổ ích, rèn kỹ năng sống, tích cực hướng thiện, định hướng nhân cách cho học sinh.

Mẫn Phong