Theo đó, Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch.

Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch; Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Trách nhiệm trả lời chính thuộc Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến tới 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành trực thuộc Trung ương.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 10/8 tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội (ảnh: Quốc hội cung cấp).

Nhiều di tích lịch sử, văn hóa chưa được quan tâm đúng mức

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đặt vấn đề: Bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Khắc Mai, trong thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, trẻ hóa sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa chưa được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp căn cơ nhằm khắc phục trước mắt và định hướng lâu dài để giải quyết vấn đề này?

leftcenterrightdel
 Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông (ảnh: Quốc hội cung cấp).

Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Khắc Mai về giải pháp khi di tích bị biến dạng sau trùng tu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong vấn đề tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, đầu tư cho di tích đã phân cấp nguyên tắc đầu tư, nguyên tắc tôn tạo thì do chính quyền địa phương sở tại làm chủ đầu tư. Các dự án này đều xuất phát từ địa phương và địa phương lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ chỉ thẩm định về tính xâm hại di tích.

Cùng với đó, tùy quy mô mà còn có sự tham gia của nhiều cơ quan thẩm định như lĩnh vực xây dựng, kiến trúc. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trách nhiệm chính thuộc về cấp lãnh đạo cấp quyết định đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Với trách nhiệm của của mình, khi phát hiện sai phạm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chấn chỉnh, cử đoàn công tác của Cục Di sản kiểm tra thực địa. Qua kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư phát hiện, uốn nắn, sửa chữa nếu như sai phạm nhỏ. Nếu sai phạm lớn thì kiến nghị cấp có thẩm quyền để có xử lý và yêu cầu phải cam kết khắc phục trở lại đúng nguyên trạng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, trách nhiệm chính của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Tuy nhiên Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa trách nhiệm giám sát và cam kết nếu những địa phương làm sai sẽ xử lý theo quy định.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn (ảnh: Quốc hội cung cấp).

Về ý kiến một số đại biểu cho rằng vẫn còn tình trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa, Nghị đinh 166/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế.

Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Cần có giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến các giải pháp để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08 ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn chiều 10/8 (ảnh: Quốc hội cung cấp).

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch COVID-19. Sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn. Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển.

Tuy nhiên, việc thu hút khách quốc tế vẫn còn khó khăn. Bộ trưởng cho rằng cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.

Do chính sách phòng, chống dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau, nên việc đón khách nước ngoài còn gặp một số vướng mắc. Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế. 

Đối với khó khăn về nguồn nhân lực trong ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đạo tạo nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch…

Bạo lực gia đình, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối

Đầu giờ chiều nay, khi bước vào phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có 54 Đại biểu đăng ký chất vấn. Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn là tình trạng xuống cấp đạo đức, văn hóa hiện nay.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. 

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đặt cầu hỏi, vấn đề quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội. Vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết. Đại biểu cho rằng, ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này, nhưng là người đứng đầu cơ quan nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của mình đến đâu và có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng: cơ quan quản lý nhà nước thì không đủ thẩm quyền mà cơ quan có thẩm quyền thì không phải chịu trách nhiệm?

Nội dung thứ hai, có ý kiến cho rằng Bộ chưa thật sự quan tâm đến lĩnh vực gia đình. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Bộ trưởng bày tỏ quan điểm về ý kiến trên?

Quan tâm đến vấn đề đạo đức học đường, văn hóa ứng xử trong thời gian qua có nhiều biểu hiện đáng lo ngại, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH Thái Bình, đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết những giải pháp, căn cơ để hạn chế, khắc phục tình trạng trên. Câu hỏi này đại biểu cũng đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Tranh luận tại Nghị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay, môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại không chỉ ở trong nhà trường, xã hội mà cả là trong gia đình. Đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ trong ngành Văn hóa cũng có hiện tượng xuống cấp về lối sống, đạo đức. Vậy Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ về vấn đề này như thế nào?

Một trong những nội dung đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, chất vấn Bộ trưởng là giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội. Bộ trưởng cho biết, việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào, xu hướng thời gian tới.

Nội dung thứ hai, đại biểu Lê Hoàng Anh nêu rõ, pháp luật và đạo đức là hai quy phạm chủ yếu và đặc biệt quan trọng để điều chỉnh quan hệ xã hội. Qua nhiều năm, pháp luật đã được hoàn thiện và tăng cường nhưng quan hệ xã hội ở nhiều nơi nhiều lúc ngày càng nóng bỏng, cử tri và nhân dân lo lắng. Nhiều cử tri cho rằng, đạo đức xã hội, đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và đạo đức gia đình đều xuống cấp. Nhiều vụ việc xảy ra thì chủ thể đều khẳng định quy trình đúng và đã tuân thủ đúng quy trình.

Đại biểu Lê Hoàng Anh nêu ví dụ như kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Qua phản ánh của báo chí, người có thẩm quyền trả lời, giáo viên coi thi đã thực hiện đúng quy trình nhưng hậu quả học sinh giỏi ngủ quên trong phòng thi và trượt tốt nghiệp.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai. 

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này và có giải pháp gì để đạo đức xã hội được tăng cường, củng cố như pháp luật, để mọi người tuân thủ và thực hiện đúng đạo đức, đem lại hiệu quả tốt cho xã hội và không vi phạm pháp luật hay bị xử lý hành chính hay xử lý hình sự.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về bạo lực gia đình, bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ suy nghĩ thì nhiều còn làm thì phải phụ thuộc vào khả năng và năng lực.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ bạo lực gia đình, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối và rất khổ tâm. Nêu rõ, mong muốn có một xã hội được bình yên, được hạnh phúc không phải mong muốn của riêng Bộ trưởng mà của tất cả mọi người.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đang tập trung vào vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong trường học và phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo để xây dựng bộ tiêu chí môi trường văn hóa. Khi bộ tiêu chí ban hành thì trách nhiệm của người thầy, trách nhiệm của học sinh phải tự giác để từng bước xây dựng hình thành và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.

Đi kèm với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn khơi dậy ở các em là những người chủ thể trong vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống biết tự giác, biết khuôn mẫu trên tinh thần là phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, lan tỏa những nhân tố tích cực.

Về vấn đề môi trường văn hóa, môi trường gia đình, xã hội hiện nay đang xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ cũng đã nhìn nhận được vấn đề này song để khắc phục vấn đề phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục, bồi đắp, bồi dưỡng ý thức về văn hóa, ý thức về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, về mặt chủ trương thì đã có đầy đủ và gần đây Bộ cũng đã ban hành tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, đặt ra các tiêu chí cụ thể, không có một chế tài nào thật cụ thể mà trên cơ sở ý thức xây dựng gia đình của mình. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là một cuộc cách mạng có tính chất lâu dài, quá trình vận động, phát triển. Với tinh thần khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, các gia đình văn hóa để phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", từ đó để tuyên truyền, nhân lên những hình ảnh đẹp trong các cộng đồng.

Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Nói thật là không phải không quan tâm. Bộ có Vụ Gia đình, tham mưu về các vấn đề liên quan đến văn hóa gia đình”.

Gia đình chịu nhiều yếu tố tác động và nhiều cơ quan khác nhau, nhiều bộ luật khác chi phối, chứ không chỉ là Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, không phải nói đến gia đình là chỉ nói đến văn hóa. Tôi nói như vậy không phải là đẩy trách nhiệm cho các bộ ngành khác, nhưng vì tính giao thoa, nên chúng tôi có trách nhiệm đề xuất xây dựng gia đình văn hóa.

Bộ đang triển khai chỉ thị của Ban Bí thư xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc trong tình hình mới theo hướng gắn kết chặt chẽ hơn giữa các đơn vị. Làm sao giữ được truyền thống, nói gọn là nếp nhà, biết ơn người sinh thành, trách nhiệm, yêu thương, đùm bọc. Vì lĩnh vực rộng chứ không phải chúng tôi không quan tâm.

Vũ Cảnh - Vũ Phương