Mong mỏi và kì vọng của nhân dân

Năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đường giao thông từ thôn Buồng, xã Luận Khê đi thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc do UBND huyện Thường Xuân làm chủ đầu tư với số vốn hơn 40 tỉ đồng, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (30a), thời gian thi công 2019 - 2021.

leftcenterrightdel
 Tuyến đường 30a đang thi công buộc phải dừng lại vì gặp rừng phòng hộ

Tuyến đường có chiều dài 7,5km, quy mô đường giao thông nông thôn cấp III. Nhà thầu thi công là Tổng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn khởi công xây dựng vào khoảng cuối năm 2020, nhưng đến tháng 3/2021 đã phải dừng lại. Từ đó tới nay, dự án đang " nằm án binh bất động" vì thủ tục vẫn chưa xong.

Đáng nói, trong tổng số chiều dài 7,5km của tuyến đường này thì có tới 5km đi qua rừng phòng hộ chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép. Tuy chiều rộng mặt đường chỉ khoảng 3 - 4m, nhưng do địa hình rừng núi hiểm trở nên hai bên ta-luy dương có chiều rộng lên đến vài chục mét. Vì vậy, tổng diện tích rừng phòng hộ phải san ủi để làm đường lên tới hơn 8ha.

Theo tìm hiểu của phóng viên, người dân thôn Buồng, xã Luận Khê; thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc và bà con người dân tộc thiểu số các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của Thường Xuân gồm các xã Vạn Xuân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ đã chịu nhiều vất vả khi di chuyển, giao thương trên con đường vòng, khó đi, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Nếu con đường này hoàn thành, bà con nhiều xã ở khu vực này sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Cuối năm 2020, khi khởi công Dự án, bà con vô cùng phấn khởi, kỳ vọng tuyến đường được hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ thay đổi được cuộc sống của họ. Bởi đây là tuyến đường được đánh giá là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, giảm bớt khó khăn trong đi lại, buôn bán, cải thiện đời sống nhân dân một số thôn, xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân.

Theo bà con nơi đây, họ rất vui mừng khi nhà nước làm tuyến đường này, vừa thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương hàng hóa trong vùng; nhất là việc thu hoạch, vận chuyển gỗ keo. Tuy nhiên, đã lâu rồi, họ không thấy thi công nữa, không biết đến bao giờ mới triển khai lại, nên bà con buồn lắm.

Ông Cầm Bá Hoà (trú tại thôn Buồng, xã Luận Khê) cho biết: “Để đi tới các xã lân cận như: Xuân Thắng, Xuân Lộc, Xuân Chinh, Vạn Xuân, Xuân Lẹ, chúng tôi phải đi vòng gần 40km, mất nhiều thời gian và công sức. Nếu dự án này được triển khai và hoàn thành, việc đi lại sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi cho làm ăn buôn bán rất nhiều. Chúng tôi mong mỏi Chính phủ sẽ tạo điều kiện để dự án được tiếp tục triển khai.”

Làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, ông Lê Ngọc Hiệp, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cho biết: Tôi cũng mới về đây công tác được 2 năm, nhưng được biết, trong quá trình khảo sát thiết kế, lập hồ sơ Dự án, cũng như khi tổ chức thi công tuyến đường, Hạt Kiểm lâm huyện đều không hay biết; không được UBND huyện tham vấn; chỉ khi nhà thầu thi công vi phạm vào đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, Kiểm lâm mới phối hợp cùng UBND xã tiến hành kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng thi công.

leftcenterrightdel
 Bà con mong mỏi dự án giao thông sớm được tái khởi động, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số này.

Theo đó, ngày 18/3/2021, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Tân Thành (phụ trách địa bàn), trực thuộc Hạt Kiểm lâm Thường Xuân đã phối hợp với UBND xã Luận Khê và Trưởng thôn Buồng, cùng đại diện nhà thầu thi công đã tiến hành lập biên bản tại hiện trường “về việc kiểm tra đơn vị thi công làm đường giao thông qua đất lâm nghiệp”.

Đoàn kiểm tra đã làm việc với đơn vị thi công công trình, kiểm tra hiện trường ghi nhận đơn vị thi công đã động thổ, tổ chức thi công (với máy húc, ủi, lu) đang múc vào khu vực đất rừng 02 của các hộ gia đình trong thôn. Đơn vị thi công đã được bàn giao mặt bằng, nhưng chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền, thu hồi đất lâm nghiệp và thanh lý tài sản cây rừng. Tổ công tác đã yêu cầu đơn vị tạm dừng hoạt động máy múc trên khu vực đất lâm nghiệp, khi nào có đầy đủ hồ sơ pháp lý mới tiếp tục thi công.

Tiếp đó, ngày 19/3/2021, UBND xã Luận Khê đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND huyện và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân về vụ việc này để xin ý kiến chỉ đạo.

Về phía Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thường Xuân, ông Lê Thế Sự, Giám đốc Ban khẳng định: Mặc dù là chủ rừng, nhưng ông chỉ được UBND huyện mời họp, xin ý kiến khi việc thi công tuyến đường bị lập biên bản, tạm dừng. 

Lý giải cho sự bất cập này, bà Vũ Thị Thu Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân cho rằng: Dự án này phải dừng lại do mang yếu tố khách quan. Vì khi thực hiện dự án, các bước chuẩn bị đầu tư cũng như các thủ tục liên quan đến mục đích chuyển đổi sử dụng rừng, thì trước đây thẩm quyền khác. Sau này luật Lâm nghiệp của năm 2017 nhưng tới năm 2020 mới bắt đầu có hiệu lực; cụ thể có sự thay đổi liên quan đến vấn đề thẩm quyền phân cấp rừng là của Chính phủ. 

Liệu có khả thi?

Đánh giá về tính khả thi trong việc tiếp tục thực hiện dự án thì có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Lê Thế Sự, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thường Xuân, cho biết, phương án “nắn tuyến” để tránh rừng phòng hộ gần như là không khả thi, bởi đây là tuyến ngắn nhất, đỡ khó khăn nhất do không phải qua khu vực có sông, suối, khe sâu. Nếu thay đổi, phải làm đường vòng tới vài chục km.

Về hướng giải quyết vụ việc này, ông Sự cho rằng: Đây là rừng phòng hộ nên phải đề nghị và được Hội đồng nhân dân tỉnh họp, thống nhất chủ trương và gửi tờ trình, xin Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang mục đích khác (cụ thể ở đây là thực hiện dự án giao thông). Quá trình này phải qua nhiều cấp, nhiều cơ quan chuyên môn nên mất rất nhiều thời gian và công sức, mà chưa biết có được chấp thuận hay không.

Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Hiệp, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Thường Xuân nhận định, theo ông việc để tiếp tục triển khai dự án này là khó. Bởi việc chuyển đổi diện tích đất rừng tự nhiên để làm đường này là khá lớn lên tới hơn 8ha. Nếu chưa phải là việc cấp bách thì Chính phủ chưa hẳn đã đồng ý.

leftcenterrightdel
 Để thực hiện tuyến đường này cần phải chuyển đổi hơn 8 ha diện tích đất rừng tự nhiên

Ngược lại, bà Vũ Thị Thu Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân lại cho rằng việc thực hiện tiếp dự án này có tính khả thi. 

Ngày 22/9, trao đổi với phóng viên, bà Phương thông tin: "Huyện Thường Xuân cũng đã đấu mối với các ban ngành; mới tuần trước cũng làm việc với cục Lâm nghiệp (thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tất cả các thủ tục đã thông, về cơ bản là thuận lợi và tính khả thi cao. Vì tất cả các điều kiện đều đáp ứng và các hồ sơ cần cung cấp thì chúng tôi đã cung cấp. Trước đây bộ Nông nghiệp chỉ còn một nội dung băn khoăn là chỉ tiêu sử dụng đất và chỉ tiêu về quy hoạch rừng; thì việc này tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt, cập nhật chỉ tiêu trong quy hoạch. Hiện chỉ còn bước của hội đồng thẩm định nữa thôi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đang chờ kết quả cuối cùng, nếu theo dự kiến từ nay đến cuối năm có thể chuyển đổi đất mục đích sử dụng rừng và tiếp tục triển khai dự án."

"Trong quá trình thực hiện liên quan đến rất nhiều luật, ngành nên việc thực hiện cũng khó hơn rất nhiều. Mặc dù khó nhưng chủ đầu tư là huyện sẽ cố gắng vì bà con, vì mục tiêu an sinh sẽ thực hiện dự án này và mong là trong năm nay.", bà Phương cho biết thêm.

Số phận của dự án giao thông 30a sẽ đi đến đâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tại hiện trường, dự án hãy còn rất bừa bộn, một số hạng mục đang có dấu xuống cấp do đã ngừng thi công lâu. Nhìn con đường nham nhở, dở dang, bà con nơi đây xót xa, mong mỏi dự án có thể sớm được tái khởi động. 

 

Bảo Châu