Đà Nẵng trở thành tâm dịch, khi liên tiếp ghi nhận các ca mắc COVID-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố đã có văn bản tạm dừng toàn bộ các hoạt động vận tải công cộng và sau đó là tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động, dừng hoạt động các công trình thi công và các hoạt động khác… khiến hàng nghìn người lao động tự do, sinh viên chưa thể rời khỏi Đà nẵng.

Những người “kẹt” lại ở tâm dịch Đà Nẵng mỗi người một hoàn cảnh. Họ chủ yếu là những lao động nghèo khó đến từ nhiều tỉnh, thành miền Trung làm việc cho các công trình xây dựng, doanh nghiệp…

Ngày 6/8, Ông Z’râm Dũng - trưởng nhóm gồm 19 lao động là người Cơ Tu (quê huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) phải thay mặt mọi người kêu cứu vì còn mắc kẹt ở Đà Nẵng. Nhóm của ông Dũng nhận trồng rừng tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vào giữa tháng 7. Mặc dù đã làm xong việc nhưng do dịch COVID-19 không thể về quê, đành phải ngủ lại trong rẫy, lương thực gần hết…

Từ Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), Anh Bling Acoong cùng một số người cùng xã mới xuống Đà Nẵng xin đi làm làm phụ hồ. Với mức tiền công 300 nghìn đồng mỗi ngày, 6 anh em thuê chung phòng trọ ở Liên Chiểu, ăn uống, chi tiêu dành dụm để gửi về nhà.

Thế nhưng mấy  tuần qua, ảnh hưởng của dịch, không có việc làm, cả nhóm thất nghiệp, tiền công không, lại không thể về quê nên đang gặp nhiều khó khăn.

"Mấy hôm nay ăn uống phải hết sức tiết kiệm. Nhưng điều lo lắng nhất của anh em là dịch chưa biết kéo dài đến bao giờ. Được mấy anh chị ở Đà Nẵng hỗ trợ gạo, thịt hộp, mì tôm cho những ngày tới tụi mình bớt lo rồi" - anh Bling Acoong chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Nhiều người lao động tự do gặp nhiều khó khăn khi vừa mất việc vừa mắc kẹt tại TP Đà Nẵng được các mạnh thường quân giúp đỡ, hỗ trợ.

Chị Trần Thị Tâm (SN 1995) rời mảnh đất Hà Tĩnh cùng chồng, con vào Đà Nẵng lập nghiệp. Cả hai vợ chồng chị đều là công nhân xây dựng. Vừa rồi, chị cùng 24 công nhân khác đều nghỉ không lương do ảnh hưởng của dịch. Không thể về quê do các phương tiện vận tải chở khách đã ngừng lưu thông, gia đình đành tiếp tục ở lại thành phố trong phòng trọ, sống tằn tiện qua ngày.

“Giờ về quê cũng không có việc để làm, còn ở lại thì tiền trọ, tiền ăn uống. Hai vợ chồng ăn gì qua ngày cũng được nhưng còn cháu nhỏ 4 tuổi cũng phải đảm bảo dinh dưỡng cho cháu.”– chị Tâm tâm sự.

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP Đà Nẵng, hiện nay nếu tính toàn bộ lao động ngoại tỉnh đang làm việc trên địa TP Đà Nẵng thì có hơn 110.000 người. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp vẫn đang làm việc.

Thành phố đang có khoảng 15.000 đến 16.000 lao động tự do, lao động phi chính thức từ nhiều tỉnh, thành miền trung đang bị mắc kẹt lại và không có việc làm do thực hiện Chỉ thị 16. Đây là những lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng chủ yếu là lao động chân tay, đang sống tại các khu nhà trọ, lán trại công trình...

Trong số này, khoảng 7.600 người có nhu cầu về quê và khoảng 6.700  học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng đang gặp khó khăn.

Để giúp đỡ những trường hợp đang gặp khó khăn do dịch, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê, kịp thời tham mưu, đề xuất hỗ trợ, cứu trợ người dân, công nhân lao động, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội trong và sau dịch.

Chia sẻ về tình hình công nhân tại các khu công nghiệp, ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho biết, một số doanh nghiệp đã cho công nhân nghỉ luân phiên để chống dịch nhưng đa phần vẫn sản xuất bình thường.

Ngay khi dịch tái bùng phát, Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng đã cho rà soát công nhân, người lao động khó khăn. Ít nhất đã có 500 suất quà dành tặng các tổ công nhân tự quản tại các khu dân cư, khu trọ nhằm động viên làm tốt công tác phòng chống dịch.

 Mới đây, Liên đoàn lao động TP đã quyết định chi 2 tỉ đồng, trong đó chi 1 tỉ đồng hỗ trợ 1.000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần quà 1 triệu đồng. 1 tỉ đồng còn lại dùng mua trang bị, nước rửa tay sát khẩu, khẩu trang y tế, gạo và các nhu yếu phẩm để tặng công nhân.

Trước tình hình nhiều lao động mắc kẹt, Hội Sông Lam tại Đà Nẵng cũng đã lên danh sách để nắm bắt số lượng người. Đến nay đã có hơn 3.000 người lao động tự do ở Nghệ An và Hà Tĩnh gửi thông tin, địa chỉ về để được hỗ trợ. Trước mắt, tất cả những người có trong danh sách đều đã nhận gạo, trứng, mì tôm, nhu yếu phẩm để nấu ăn hằng ngày. Hội cũng vận động mọi người tạm thời ở tại chỗ thực hiện giãn cách, không nên trốn về.

leftcenterrightdel
 Đà Nẵng đang  trình Thủ tướng phương án đưa  người lao động, học sinh, sinh viên và người dân ở các địa phương khác đang tạm trú ở TP được về quê.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở sẽ tiến hành thống kê, phối hợp với các địa phương có sinh viên, người lao động bị mắc kẹt mở các đường dây nóng để tiếp nhận đăng ký. Những người trở về sẽ được địa phương tiếp nhận và tổ chức cách ly 14 ngày theo quy định.

Được biết, hiện, có 2 phương án được đưa ra để tổ chức đưa người lao động, sinh viên ngoại tỉnh trở về. Một phương án là các tỉnh bố trí xe ô tô đến vùng giáp ranh để đón sinh viên, người lao động về và tổ chức cách ly tại tỉnh họ. Đà Nẵng sẽ chịu trách nhiệm xét nghiệm, hỗ trợ phương tiện vận chuyển đưa sinh viên, người lao động đến vùng giáp ranh và bàn giao cho các địa phương.

Một phương án nữa mà UBND TP đang trình Thủ tướng Chính phủ, đó là hỗ trợ sinh viên, người lao động trở về bằng tàu hỏa. 

“Đi tàu hỏa thì an toàn hơn, nhưng Đà Nẵng hiện là vùng dịch, tàu hỏa không được dừng tại nên chúng tôi vẫn đang chờ chỉ đạo. Dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ lựa chọn phương án để hỗ trợ sinh viên, người lao động ngoại tỉnh mắc kẹt phù hợp, đảm bảo các quy định phòng chống dịch”, - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình số 5463 ngày 16/8 báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chủ trương cho phép người lao động, học sinh, sinh viên và người dân ở các địa phương khác đang tạm trú ở Đà Nẵng được rời Đà Nẵng về lại nơi cư trú theo nguyện vọng. Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành có người dân đang tạm trú ở  Đà Nẵng phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức tiếp nhận, đón công dân về địa phương theo phương án cụ thể; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

 

 

Lê Tâm