Đây là loại bảo hiểm được áp dụng ở Việt Nam từ năm 1988; không chi trả cho người mua bảo hiểm (chủ xe) mà chi trả cho nạn nhân (bên thứ ba) nếu không may xảy ra tai nạn. Điều này nhằm đảm bảo cho nạn nhân luôn nhận được quyền lợi bồi thường dù người gây tai nạn có điều kiện tài chính hay không.

Tuy nhiên, đến nay, rất nhiều đề xuất đòi bỏ loại bảo hiểm này do tính hiệu quả không cao. Cuối 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất bỏ. Sau VCCI, cử tri hơn 10 địa phương cũng kiến nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy vì “chỉ là hình thức đối phó”.

Cử tri Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu gửi Bộ Tài chính kiến nghị bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm với xe gắn máy. Việc mua bảo hiểm nên chuyển sang hình thức tự nguyện. Cử tri cho rằng đây chỉ là hình thức đối phó, còn thực tế nếu xảy ra tai nạn, thủ tục đòi bồi thường khó khăn, tỷ lệ được chi trả thường thấp.

“Quy định này không hợp lý và không cần thiết vì khi xảy ra tai nạn, hầu như không có chi trả tiền bồi thường cho người mua do thủ tục phức tạp và số tiền bồi thường không đáng kể”, cử tri Quảng Ninh cho biết.

Cử tri của TP HCM, Ninh Thuận, Tiền Giang cũng đặt câu hỏi về giải pháp giúp chi trả bồi thường đơn giản, nhanh chóng.

Tuy nhiên, trả lời cử tri mới đây, Bộ Tài chính cho rằng vẫn cần thiết có bảo hiểm bắt buộc với xe gắn máy. Môtô, xe gắn máy vẫn là phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ, nguồn Internet

Điều đặc biệt, Bộ Tài chính dẫn số liệu bình quân từ 2017-2021 của các DN bảo hiểm cho thấy tỷ lệ chi bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là 19,8%.

Con số này chênh lệch khá nhiều so với con số được VCCI cung cấp trước đó khi cho rằng sau 10 năm, tỷ lệ chi trả bảo hiểm với xe máy ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ chi trả của bảo hiểm TNDS của ô tô khoảng 32,7%, bảo hiểm cháy nổ là 31,9%. Xem xét về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

Cũng số liệu Bộ Tài chính viện dẫn, cho thấy năm 2021, có 12,4 triệu xe máy được bảo hiểm. Như vậy, nhiều chục triệu xe máy khác có bảo hiểm trong năm 2021 hay không? Nếu không, thì quy định pháp luật đã được thực hiện nghiêm túc hay chưa?

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời cử tri, Bộ Tài chính vẫn cho rằng: “Căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế, hiện giữ nguyên quy định với bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới”.

Ý kiến cử tri là có lý, trả lời của Bộ Tài chính cũng là hợp lý. Nhưng có điều để trả lời thuyết phục, cần thiết phải xác minh rõ ràng báo cáo của các DN bảo hiểm có chính xác hay không, bóc tách xe hơi và xe máy chứ không chỉ nói chung chung “xe cơ giới”. Và nếu vẫn giữ nguyên quy định, thì phải đơn giản hóa thủ tục chi trả và có chế tài với hàng chục triệu xe “trốn” mua bảo hiểm, đảm bảo quy định pháp luật đã ban hành phải thực thi nghiêm.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2022 là 72 triệu phương tiện. Cứ coi như khoảng 22 triệu xe đã biến thành đồng nát, cắt sắt vụn, không còn lưu hành, thì vẫn còn tới 50 triệu phương tiện đang hoạt động.

Ngọc Anh