Từ nông dân trở thành phi công

Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi tìm về khu phố 2, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) tìm gặp Đại tá, phi công Nguyễn Văn Bảy (85 tuổi), người anh hùng từng bắn rơi 7 chiếc máy bay Mỹ. 

Gặp ông, không ai nghĩ rằng ông là một anh hùng phi công từng khiến quân thù phải khiếp sợ trong lĩnh vực “không chiến” năm xưa, vì giờ đây, ông quanh năm sống vui giữa miệt vườn, với đầm sen, ao cá.

leftcenterrightdel
Sau những chiến công lẫy lừng, ông Bảy trở về quê nhà vui vầy bên đầm sen, ao cá. 

Như đoán được nội dung cuộc trò chuyện sắp diễn ra với chúng tôi, ông Bảy chân chất mở lời: “Các chú muốn nghe chuyện thì đợi tui một lát”. Thế rồi, từ dưới ao sen bước lên, ông dẫn chúng tôi vào nhà, vừa đi vừa chậm rãi kể lại chuyện đời mình.

Ông sinh ra tại huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (cũ, nay là tỉnh Đồng Tháp).

Năm 17 tuổi, ông theo lớp thanh niên trong làng đi bộ đội, trở thành du kích. Đến năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc. Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. 

Kể về quá trình học lái máy bay, ông Bảy bồi hồi nhớ lại: Buổi sáng hôm ấy, bỗng có lệnh truyền xuống “khám sức khỏe dự tuyển phi công”. Lúc này, cả tiểu đội, trung đội, đại đội nhìn nhau: “Phi công ư?”, “Lái máy bay ư?”. Như chuyện từ trên trời rơi xuống, toàn những người nông dân chân lấm tay bùn lại có cơ may trở thành lính không quân... 

Ông kể, lúc ấy có nhiều  người còn chưa đọc được báo, toán thì chỉ biết cộng, trừ nên chẳng có hi vọng gì. Ai có len lỏi chút ước muốn hão huyền thì lóng ngóng tới lui xem người khác thế nào, chỉ huy có phổ biến gì thêm không hay chỉ là chuyện bông đùa.

Khi đó, Nguyễn Văn Bảy và một vài anh em bước ra ngoài. Quang cảnh đúng là có khác ngày thường, xôn xao và náo nức hơn bởi lệnh từ đại đội xuống, tất cả chờ lệnh khám sức khỏe theo yêu cầu của cấp trên.

Mười ngày trôi qua, vào một buổi chiều nọ, thông báo từ Bộ chỉ huy xuống đơn vị cho biết, một sư đoàn sẽ có 10 người được đưa vào danh sách dự tuyển.  

Bất ngờ, sau đó Nguyễn Văn Bảy được mời lên Ban chỉ huy Tiểu đoàn nghe lệnh: “Đồng chí có tên trong danh sách 10 ứng viên dự tuyển phi công”. Bảy nghe vậy đã không tin vào tai mình, rồi khi định thần lại, Bảy mới tin đó là sự thật. Anh liền chạy như bay về đơn vị, hớt ha, hớt hải báo cho mọi người rằng: “Tao trúng tuyển rồi”.

Thế là sau 5 năm gắn bó với anh, em trong quân ngũ, Nguyễn Văn Bảy được lệnh đi theo đoàn tuyển sinh bay. Một buổi tiễn đưa bịn rịn nhưng hào hứng bởi ai nấy đều vui khi biết rằng, Bảy sẽ trở thành phi công thực thụ.

Sau đó, Bảy đi học văn hóa ở Lạng Sơn mấy tháng. Đoàn tuyển sinh bay được Cục Không quân chuyển về sân bay Cát Bi - Hải Phòng tiếp tục đào tạo và Bảy chính thức trở thành người của lực lượng không quân nhân dân Việt Nam.

Tiếp đó, Bảy được đào tạo phi công tại Trung Quốc. Ở sân bay mới, Bảy cùng anh em trong khóa phải bay mỗi ngày trong điều kiện thời tiết khác nhau để rèn luyện kỹ năng bay và tích lũy giờ bay theo đúng quy định. Ngoài bay nâng cao, Bảy còn được học bổ sung về kỹ, chiến thuật không chiến. Ông kể, lúc ấy buổi sáng có khi bay vài tiếng, chiều nghe giảng, tối đến thì sắp xếp cho kế hoạch bay luyện cho ngày hôm sau. Khi đã thuần thục các chương trình bay nâng cao, Bảy tiếp tục học thêm kỹ, chiến thuật không chiến với giáo trình cao hơn.

Ông Bảy hài hước kể: “Lúc ấy, tôi và những anh em học chung gặp nhau dưới đất ít hơn gặp nhau trên trời nhưng tâm trạng người nào cũng phấn chấn và háo hức bởi ngày trở về quê chiến đấu không còn xa nữa”. 

Trở thành phi công huyền thoại

Đến tháng 4/1965, lớp đào tạo kết thúc, Nguyễn Văn Bảy đã đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm. Trong khoảng thời gian từ năm 1965 - 1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ, gồm 2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4, được xếp hạng ACES và được kết nạp là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. 

leftcenterrightdel
Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy (đứng trên bên trái), người anh hùng từng bắn rơi 7 chiếc máy bay của Mỹ trong một lần chiến thắng trở về. 

Kể về cách bắn hạ máy bay địch, ông Bảy như sống lại phút giây hào hùng: “Năm 1965, quân Mỹ bị chấn động khi những chiếc Mic17 đời cũ của không quân Việt Nam bay chậm hơn nhưng lại bắn hạ được máy bay tiêm kích, ném bom F105 tốc độ cao của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Hồi ấy, máy bay tiêm kích, ném bom tầm xa rất hiện đại, nó có thể hoạt động trong mọi thời tiết, ai cũng sợ. Thế mà họ vừa đưa vào chiến đấu tại Việt Nam thì ngay lập tức trở thành nạn nhân của Mic17. “Máy bay Mỹ toàn loại siêu đẳng, nên muốn đánh thắng chúng thì ta phải có cách riêng. Lần đầu tiên tôi cất cánh tấn công máy bay Mỹ là 10h ngày 19/6/1965, do chưa có kinh nghiệm, lúc đó máy bay Mỹ lại đông, nên bị chúng áp đảo và bắn máy bay tôi bị thương. Thế nhưng tôi vẫn lái máy bay hạ cánh an toàn đấy, vụ đó các chuyên gia quân sự Liên Xô và đồng đội nể phục tôi lắm”, ông Bảy kể lại.

Rồi ông tiếp tục kể. “Sau đó, rút kinh nghiệm từ đợt đánh đầu tiên, tôi áp dụng cách đánh mới. “Biết chiêu của địch rồi nên mình phải dùng chiêu đối phó, đó là phải áp sát máy bay địch mà đánh. Vì máy bay của chúng to, hiện đại, bay nhanh và trang bị súng đạn nhiều hơn, trong khi Mic17 của mình chỉ có 3 khẩu pháo với 200 viên đạn. Bởi vậy, phải tiếp cận gần và mạo hiểm thì mới thắng được, thế là mỗi lần tôi siết cò là một máy bay Mỹ ra đi”.

Ngày 1/1/1967, ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi được tuyên dương, ông mang cấp bậc Thượng úy, và là Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.

Một thời gian sau, ông  được thăng quân hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như: Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.
Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như: Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia.

Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Không quân tại TP HCM. Năm 1990, ông về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc sống cảnh điền viên cùng gia đình. Năm 2009, gia đình ông chuyển về quê ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Sau những chiến công lẫy lừng, ông trở về quê nhà và lại là một lão nông đúng nghĩa, ngày ngày vui vầy bên đầm sen, ao cá...

Nam Phong