Đối đầu thù trong giặc ngoài

Nhấp chén trà nóng ran, vị tướng già tiếp tục câu chuyện: “Trong gần 40 năm làm việc ở Tây Bắc, tôi tham gia hàng loạt các chuyên án đấu tranh, chống bọn phản cách mạng qua các thời kỳ nhạy cảm. Những năm chống Pháp, Mỹ, bọn phản động nước ngoài thường xuyên xâm nhập biên giới phía Bắc, cùng với lực lượng thù địch ở địa phương tạo thời cơ nhằm trả thù cáchmạng. Chúng nhao nhao như “vắt thấy hơi người”, tụ tập chống phá, lập đảng phái, tổ chức bạo loạn, xưng vua, nổi phỉ ở khắp địa bàn Tây Bắc”.

Vụ đầu tiên phải kể đến là cuộc bạo loạn ở xã Hồ Thầu, Phong Thổ, Lai Châu năm 1959. Vụ này, bọn địa chủ, đặc vụ Trung Quốc bị cách mạng nước bạn truy đuổi, chạy trốn sang phía Việt Nam. Lợi dụng tình cảm cùng dân tộc, chúng câu kết với phản động địa phương, lôi kéo cán bộ, chính quyền, mê hoặc quần chúng, kích động ly khai, lập chính phủ riêng. Bọn chúng rất manh động, đã bắn chết cả Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính Khu Tự trị Tây Bắc, làm tan rã cơ sở cách mạng ở xã Hồ Thầu…

leftcenterrightdel
 Phiên tòa xét xử các đối tượng phản động. Ảnh Quang Đệ

Qua 9 tháng điều tra, đấu tranh, Nguyễn Trọng Tháp cùng đồng đội đã làm rõ âm mưu, ý đồ của chúng, nắm được những tên cầm đầu. Đồng thời kêu gọi, tấn công bọn đầu sỏ ra hàng, dân quân giao nộp súng đạn, lập hồ sơ truy tố ra trước pháp luật. Ngay sau đó, lực lượng công an đã tổ chức ổn định lại tình hình chính quyền, tư tưởng cho quần chúng kết hợp xây dựng cơ sở và đặc tình tin cậy để tiếp tục theo dõi địch.

Tướng Tháp nhấn mạnh: “Bài học rút ra từ chuyên án đầu tiên đó chính là việc không chỉ đơn thuần tiến hành công tác nghiệp vụ mà còn phải đi sâu đi sát, chịu đựng gian khổ để giáo dục quần chúng, dựa vào quần chúng thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Sau này liên tục tôi cùng đồng đội đã phá nhiều vụ phản loạn khác như: Vụ phản động ở bản Chiềng Chung, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo âm mưu lật đổ chính quyền tháng 11 năm 1965; Vụ phản động ở xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên tháng 3-1966; Vụ âm mưu lũng đoạn, tha hóa tổ chức Đảng, phá hoại chính sách của ta ở Mường Báng, Tuần Giáo năm 1967; Vụ xưng vua ở xã Xá Nhè, Tuần Giáo năm 1968, bọn phản động tuyên truyền vua Mèo thay thế Hồ Chủ tịch, chúng lôi kéo được cả trăm người tham gia, trong đó có hai Đảng viên, 8 bộ đội đào ngũ, 5 trưởng bản, 5 hội đồng nhân dân xã, 2 công an xã, 1 xã đội phó…Vụ lập đảng phái phản động lật đổ chính quyền ở xã Thanh Luông, huyện Điện Biên năm 1978; Vụ bạo loạn ở Huổi Luông, Sìn Hồ năm 1978; Vụ “đảng Thái An” âm mưu tiếp tay cho quân xâm lược, nổi dậy cướp chính quyền ở xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên năm 1979; Vụ lôi kéo đồng bào Mông theo địch, lập đội vũ trang quấy phá biên giới ở xã Pa Tần, Sìn Hồ năm 1981…”.

leftcenterrightdel
 Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã theo các đối tượng phản động. Trong ảnh: Công an dự lễ cắt máu ăn thề quay về với phong tục tập quán của dân tôc. Ảnh Quang Đệ

Trong những năm kháng chiến ấy, thù trong giặc ngoài, bọn chúng dùng trăm phương nghìn kế để móc nối, xây dựng lực lượng trong nội bộ ta, nắm nhân dân các dân tộc của ta ở vùng biên giới để phục vụ âm mưu xâm lược, lật đổ chính quyền cách mạng. Nhưng có thể khẳng định, âm mưu của địch đã thất bại hoàn toàn, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Lai Châu, đồng bào tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, đã vô hiệu hóa các thủ đoạn mị dân của địch. Không có nơi nào bọn gián điệp kích động được nhân dân nổi dậy tiếp tay cho quân xâm lược, chống Đảng, Chính phủ. Đây là một thắng lợi không những về mặt quân sự mà còn là một thắng lợi chính trị sâu sắc ở vùng cao Tây Bắc.

Vị tướng già bỗng nheo mắt, trầm ngâm:“Cuộc đời tôi 37 năm công tác ở biên giới, từng giữ cương vị Phó trưởng ty, Giám đốc Công an Lai Châu trong nhiều năm, tôi đều được giao phụ trách vấn đề an ninh chính trị. Nhờ có sự chỉ đạo của Bộ, Công an Khu Tây Bắc, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự tin tưởng, giác ngộ, ủng hộ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Nhờ có nhân dân giúp đỡ, che chở trong suốt những năm đấu tranh gian khổ, ác liệt mà lực lượng công an chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Tướng Tháp (thứ ba từ phải) và các cán bộ Công an. Ảnh TL

Suốt một thời gian dài phụ trách an ninh chính trị ở vùng nhiều dân tộc, địa bàn khó khăn, cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt nhưng tôi đã luôn cố gắng hết mình, không để xảy ra vấn đề gì đáng tiếc trong địa bàn mình phụ trách. Đặc biệt, trong thời gian ấy, tôi đã góp phần xây dựng và đào tạo được một đội ngũ cán bộ chiến sĩ công an người dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì... có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức để đảm nhận các nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng quan trọng trong việc đấu tranh, giữ vững an ninh chính trị trong đồng bào dân tộc và khu vực biên giới”.

Từ năm 1980-1988, Đại tá Nguyễn Trọng Tháp giữ cương vị Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, từ 1988-1992 ông làm Cục trưởng Cục Chống phản động Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), năm 1990 ông nhận quân hàm Thiếu tướng An ninh. Từ năm 1992 – 1995 tướng Nguyễn Trọng Tháp làm Trưởng đoàn chuyên gia Bộ Nội vụ Việt Nam tại Bộ Nội vụ Lào, đến năm 1996 ông về nghỉ hưu và chính thức bước vào một mặt trận mới, làm kinh tế.

Tướng làm kinh tế giỏi 

Năm 1996, tướng về hưu Nguyễn Trọng Tháp cùng vợ xách cuốc xẻng đến vùng đồi đất khô cằn xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh để vỡ đất, làm nương, trồng vải, na, bưởi, nuôi bò, lợn, gà, nhím... Để rồi hơn 20 năm sau, ông trở thành một trong những điển hình kinh tế trang trại nổi tiếng nhất vùng, là tấm gương cả về đạo đức cách mạng, chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, nhân dân cũng như tinh thần hăng say làm việc, phát triển kinh tế...

leftcenterrightdel
 Nghỉ hưu Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp là điển hình trong phát triển kinh tế trang trại.

Ngồi nhìn vườn na, bưởi trĩu chịt quả sắp tới vụ thu hoạch, vị “tướng về vườn” nhớ lại: “Hơn 20 năm trước, khi vợ chồng tôi khăn gói về đây dựng nhà, làm vườn, cả vùng đất này chỉ là cỏ lau với bạch đàn, hầu như chưa có người ở. Khi đó đường giao thông từ tỉnh lộ chưa có, điện nước đều tự túc, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đủ đường. Gần 70 tuổi đời, chúng tôi lại bắt đầu làm lại cuộc sống từ đầu”.

Trở về với đời thường, người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ấy vẫn nguyên khí chất bản lĩnh, kiên cường của một người lính qua trận mạc và gần bũi, bình dị như cây rừng đá núi, đem sức lực, tâm huyết của mình để xóa đói, giảm nghèo… Những ngày đầu ấy, vợ chồng ông đã chọn mua được 2 héc-ta ở khu đồi Mít với giá 15 triệu đồng/héc-ta, toàn bộ khu vực vườn đồi bấy giờ chỉ là đồng không, mông quạnh, ông và gia đình phải đến ở nhờ cách đó 5km. Cứ như vậy, sáng sớm, hai vợ chồng già và người con út ăn sáng, nắm cơm ra khu đồi vừa làm vừa thuê người đào hết toàn bộ gốc bạch đàn, thuê máy cày, để cày đất lên thửa, dùng cuốc đánh luống…

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp trò chuyện với PV. 

Tiếp đó ông và các con dùng xe đạp thồ hom sắn từ chỗ người em về để trồng. Để bớt thời gian đi lại, ông thuê người đóng gạch ba banh xây căn nhà 2 gian ở dưới chân đồi để tiện chăm non vườn tược. Đất đai chẳng phụ công người, không bao lâu sau khu đồi mít cằn khô trước đây chỉ toàn cỏ dại, gốc bạch đằng được thay thế bằng màu xanh sắn, vải thiều,na, bưởi Diễn. Từ thành công bước đầu đó, ông đã bỏ thời gian nghiên cứu, đọc sách kỹ thuật, xem các chương trình truyền hình, hỏi han các kỹ sư nông nghiệp… để tìm ra cách chăm sóc cây cho thành quả tốt nhất.

Khi trồng cây có thu hoạch cao, ông không giấu nghề mà phổ biến kinh nghiệm cho bà con cả vùng. Năm 2002, ông cùng hơn 70 hộ làm vườn trong xã thành lập Hội người làm vườn “An Dân Việt”, người dân tín nhiệm bầu “tướng về vườn” Nguyễn Trọng Tháp làm Hội trưởng Hội làm vườn. Năm 2009, bằng số tiền gom góp từ làm kinh tế trang trại, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp đã thực hiện thành công ước mơ làm một con đường bê tông ở quê hương Thất Hùng, Kinh Môn, Hải Dương cho các em học sinh đi học thay cho con đường đất gồ ghề trước kia. Bây giờ ai có đến xã An Sinh, hỏi thăm từ đầu xã người dân đã chỉ tận tình nhà tướng Tháp, ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm nép mình bên vườn na, bưởi gần 5 héc-ta.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp và tác tác giả bài viết

Tướng Tháp nói: “Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch 600 triệu đồng tiền na, 200 triệu đồng tiền bưởi diễn. Tôi chỉ buồn là ngày hôm nay bà nhà tôi không còn nữa để chia sẻ thành quả lao động với tôi. Suốt bao nhiêu năm tôi đi làm cách mạng, đằng sau quân hàm cấp tướng là bóng dáng người vợ hiền tần tảo, chịu thương chịu khó hết mực hy sinh vì chồng con. Mọi điều tôi làm được trong cuộc đời đều mang dấu ấn sẻ chia của bà ấy”.

91 tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng, 37 năm công tác ở Tây Bắc, ở cương vị nào, mặt trận nào, dù chống ngoại xâm hay giặc đói nghèo ông cũng vững vàng, kiên trung, bản lĩnh, mưu trí và làm tốt mọi việc. Thanh thản tuổi già, giờ đây điều ông vui nhất là 5 người con của mình thì có 4 người tiếp tục theo nghiệp công an và đến bây giờ họ vẫn giữ gìn, trân trọng những điều ông dạy: Trách nhiệm với công việc, trung thực với mọi người và sống đầy tình cảm yêu thương với Tổ quốc và nhân dân.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ rang nhân dân. Ngoài ra ông còn trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất... cùng 2 Huân chương It Xa La hạng 2 của Chính phủ Lào trao tặng... 

Hoàng Trường Giang