leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/5 (ảnh: VPQH cung cấp).

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, căn cứ Nghị quyết số 128/2020/QH14 về dự toán thu, chi NSNN năm 2021, Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán NSNN năm 2022, Nghị quyết số 82/2023/QH15 về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID - 19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022. 

Theo đó, nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2021 được quyết định như sau: Tổng số thu NSNN là 1.358.084 tỉ đồng; Tổng số chi NSNN là 1.701.713 tỉ đồng; Bội chi NSNN là 343.670 tỉ đồng, tương đương 4% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương (NSTW) tương đương 3,7% GDP, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) tương đương 0,3% GDP.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý, điều hành chi NSNN năm 2021 chủ động, chặt chẽ. Trong đó đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID -19 và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao; rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID.

Tuy nhiên, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí NSNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa đảm bảo theo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng báo cáo về tình hình bội chi NSNN, các khoản vay của NSNN và nợ công. Theo đó, bội chi NSNN, việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp của Quốc hội sáng 24/5 (ảnh: VPQH cung cấp).

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách và Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội quyết toán NSNN năm 2021 như sau:

Tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỉ đồng. Trong đó, số thu NSNN theo dự toán là 1.591.411 tỉ đồng; thu chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là 643.406 tỉ đồng; thu từ kết dư năm 2020 là 140.410 tỉ đồng; và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 12.679 tỉ đồng.

Tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.439 tỉ đồng. Trong đó, chi NSNN theo dự toán là 1.708.088 tỉ đồng; chi chuyển nguồn sang năm 2022 là 776.351 tỉ đồng. Bội chi NSNN là 214.053 tỉ đồng, bao gồm: bội chi NSTW là 211.650 tỉ đồng, bội chi NSĐP là 2.403 tỉ đồng.

Yêu cầu thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị kiểm toán

Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2022, KTNN đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN gần 34.600 tỉ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 37.000 tỉ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Về dự toán thu NSNN Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tại thời điểm lập dự toán, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ dự báo thận trọng dẫn đến ước thực hiện thu năm 2020 làm cơ sở dự toán năm 2021 thấp; lập dự toán thu một số chỉ tiêu thu chưa phù hợp, trong đó dự toán thu tiền sử dụng đất do các địa phương lập thấp hơn so với khả năng thu dẫn đến việc thực hiện năm 2021 vượt 74% so với dự toán giao.

leftcenterrightdel
 Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 (ảnh: VPQH cung cấp).

Dự toán chi NSNN cho đầu tư phát triển đạt 96,6% kế hoạch; về dự toán chi thường xuyên, kết quả kiểm toán cho thấy, giao dự toán đầu năm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm so với quy định, giao bổ sung vào thời điểm cuối năm dẫn đến các đơn vị không kịp thực hiện phải chuyển nguồn, có đơn vị phải hủy dự toán được giao.

Về kết quả thực hiện kiến nghị Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2022 cho thấy, về kiến nghị tài chính: Đến 31/12/2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN đạt tỷ lệ 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện đạt tỷ lệ 80,08%. 

Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách: Có 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản. 

Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương liên quan thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa đảm bảo tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021” dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.

Vũ Cảnh