Sau phiên đăng đàn của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, cuối giờ sáng nay 7/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề gồm: Sắp xếp cán bộ công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch cán bộ, công chức và viên chức; công tác đánh giá cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
|
|
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tân cho rằng chỉ riêng giáo viên và cán bộ, nhân viên ngành y tế đã chiếm khoảng 80% trên tổng số biên chế. "Chúng ta đã lấy cái định mức biên chế từ năm 2015, cấp có thẩm quyền giao để thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức trong ngành giáo dục. Hiện nay phần lớn các địa phương phản ánh số giáo viên, nhân viên y tế không đủ để đứng lớp và trong bệnh viện"- Bộ trưởng nêu rõ.
Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị có kết luận 9028, bước đầu giải quyết được 19 tỉnh. Theo đó, tập trung giải quyết cho 20.300 người giáo viên mầm non có hợp đồng trước ngày 30/10/2015. "Theo thống kê bước đầu của các địa phương, hiện nay còn thiếu 87.000 giáo viên các cấp, riêng ngành y tế thì khoảng hơn 12.000 người. Qua đó, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ để tiếp tục bổ sung biên chế phục vụ đúng chủ trương người học phải có giáo viên và người bệnh phải có nhân viên y tế chăm sóc"- Bộ trưởng nhấn mạnh
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hôm qua 6/11, ông đã ký văn bản, và hôm nay sẽ phát hành đến các địa phương, trong đó có Hà Nội, đề nghị thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 9028. Theo Kết luận này, các giáo viên nằm trong chỉ tiêu biên chế từ 2015, ký hợp đồng trước 31/12/2015 và có đóng bảo hiểm sẽ được tuyển dụng đặc cách.
Theo đó, các giáo viên nếu đáp ứng đủ tiêu chí điều kiện thì tuyển dụng, coi như nằm trong biên chế 2015, việc này thuộc thẩm quyền của địa phương. "Đề nghị Hà Nội cũng phải làm nghiêm túc như thế. Có ý kiến của Bộ Chính trị rồi, Thủ tướng cũng nói rồi, các đồng chí cứ làm. Còn tuyển xong số giáo viên này mà vẫn thiếu thì thi tuyển theo đúng Nghị định 161"- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.
Trong khi đó, mới đây các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn và nhiều huyện khác ở Hà Nội, sau một thời gian dài đấu tranh để được tuyển dụng đặc cách, đã nhận được quyết định… chấm dứt hợp đồng lao động.
Cụ thể, ngày 5/11, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh đã ký thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn không đủ điều kiện đăng ký dự thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019, hoặc không đăng ký dự tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019, không tham gia dự thi vòng 1 hoặc tham gia vòng 1 nhưng không đủ điều kiện để dự thi vòng 2, các giáo viên hợp đồng dự thi tuyển vòng 2 nhưng không trúng tuyển, cùng với các giáo viên hợp đồng theo mùa vụ năm học 2019 - 2020.
Theo văn bản này, thời gian dự kiến chấm dứt hợp đồng sẽ là 1/1/2020, trừ những người có hợp đồng trên 5 năm đang ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều tra; lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản. Trong số 256 giáo viên hợp đồng lâu năm của Sóc Sơn đã gửi kiến nghị được tuyển dụng đặc cách, có 121 người đã trúng tuyển kỳ thi viên chức của Sóc Sơn, còn 135 trường hợp sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động trong đợt này./.