Chiều nay 31/10, tại hội trường Quốc hội các đại biểu tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019 cũng như kế hoạch 2020.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Thạch Phước Bình

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ trăn trở khi cơ sở hạ tầng của đồng bằng Sông Cửu Long phát triển chậm trong khi đây là vùng đồng bằng châu thổ, vựa lúa lớn nhất cả nước.

Theo đại biểu Bình, phần lớn các cảng biển ở đồng bằng sông Cửu Long là cảng quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ xếp dỡ hàng, thiếu các cảng cảng chuyên dùng cho container. Do đó, 70%-80% hàng hóa của khu vực phải dồn lên TP.HCM bằng đường bộ để xuất khẩu. Điều này tăng thêm chi phí, tạo áp lực lên TP.HCM.

Bên cạnh đó, vì nguồn lực hạn chế nên các tuyến dọc trục ngang và quốc lộ huyết mạch tại đồng bằng Sông Cửu Long chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Ông kiến nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm một số dự án cấp bách như Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, sớm nâng cấp mở rộng các trục quốc lộ ngang để kết nối quốc lộ, cao tốc phía đông trong tương lai.

“Chúng ta không thể cứ mãi duy trì những cái nhất rất mâu thuẫn và nghịch lý. Là vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng cơ sở hạ tầng kém nhất, nhà ở tệ nhất”, đại biểu Bình phát biểu.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phan Ngọc Thọ

Nói về những vấn đề mà cử tri Huế quan tâm, đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên – Huế) trình bày 4 ý kiến trong phần phát biểu của mình. Đầu tiên, ông cho biết cử tri tỉnh Thừa Thiên – Huế rất phấn khởi vì sự quan tâm Chính phủ, Quốc Hội với việc di dân khu vực 1 ở kinh thành Huế. Trong năm nay, dự kiến có 450 hộ sống tại tường thành sẽ được di dời. Việc di dời phạm vi lớn sẽ diễn ra trong năm tới.

Thứ hai, ông Thọ cho biết tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung xây dựng đề án điều chỉnh địa giới TP Huế và vùng phụ cận. TP Huế đang quá tải về hạ tầng và quy mô thành phố trở nên quá chật, quá nhỏ cho sự phát triển của một đô thị di sản.

Kế tiếp, đại biểu đoàn Thừa Thiên – Huế cho biết dù có nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển, sản xuất, sử dụng ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, số người nghiện ma túy có chiều hướng không giảm, thậm chí gia tăng trong độ tuổi tuổi thanh thiếu niên. Ông Thọ cho biết cử tri rất lo lắng trước vấn đề này và đặt vấn đề nên có chế tài với người sử dụng ma túy trái phép.

Cuối cùng, ông Thọ đánh giá để nâng cao hiệu quả trong phong trào hạn chế rác thải nhựa sử dụng một lần cần có thêm chế tài đủ mạnh cấp quốc gia.

leftcenterrightdel
Đại biểu Trần Hoàng Ngân 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, giảm tốc, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 6,98%.

Trong khi đó, căng thẳng Mỹ - Trung mang lại những tác động cả thuận lợi và không thuận lợi tới Việt Nam. Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ khiến Việt Nam nhập siêu hàng hóa tăng cao, kéo theo nhiều vấn đề như gian lận thương mại. Từ đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 62 tỷ USD từ nước bạn, tăng 16,1%, nhập siêu 29 tỷ USD.

Điểm thuận lợi là khi hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao, hàng hóa Việt sẽ thuận lợi. Việt Nam đã xuất 49,9 tỷ USD vào Mỹ, tăng 26,.6% cùng kỳ, xuất siêu 37,9 tỷ USD.

Đại biểu Ngân cho rằng trong khi nhiều nước đang đang bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, Việt Nam cần quan tâm thị trường trong nước. Cần triển khai hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến tới thích dùng.

Đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm thị trường tín dụng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, tránh để nợ xấu quay lại. Chính phủ cũng cần tái cơ cấu thị trường tài chính, biến chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ TP.HCM xây dựng trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế.

Cuối cùng, ông mong muốn Chính phủ tiếp tục dành nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, thể chế, đặc biệt là thể chế cho cách mạng công nghiệp 4.0. Ông nhấn mạnh đến pháp luật liên quan đến kinh tế số, bảo vệ tài sản, phát triển mô hình kinh doanh mới. Ngoài ra, cần hoàn thiện pháp luật, thể chế vùng, các tỉnh liên kết nhau để phát triển./.

Xuân Hưng