Sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đề cập đến việc trong hơn 1 triệu người kê khai tài sản trong năm 2019 chỉ có 10 trường hợp vi phạm, chỉ tăng 2 trường hợp so với năm 2018. Điều này chứng minh tính trung thực trong kê khai tài sản vẫn là dấu hỏi lớn với cử tri.

Ông Hiếu cũng dẫn chứng việc thẩm tra hồ sơ ứng cử đại sứ tương lai, nhưng tất nhiều kê khai của ứng viên, trong phần kê khai tài sản trên 50 triệu đồng đều ghi là "không có".

Do đó, ông Hiếu đề nghị, trong giai đoạn tới cần rà soát, siết chặt kỷ cương trong việc kê khai tài sản cá nhân, cần công khai thuế thu nhập cá nhân ở các vị trí quản lý, lãnh đạo.

Thượng tướng Nguyễn Văn Được (đoàn Hà Nội) chua xót khi đối lập với xương máu, công sức xây dựng đất nước của Nhân dân, vẫn có những lợi ích nhóm, cá nhân "cỡ bự", thiếu trách nhiệm, gây thất thoát lớn, với dã tâm tham nhũng gây thất thoát của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Đại biểu Được đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh, kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng.

"Trường hợp nào xử lý nội bộ thì cũng phải công khai thông báo họ tham nhũng những gì, có bao nhiêu tiền để nhân dân biết. Có những vụ án chỉ xử lý nội bộ, nhưng tiền của có thể họ ăn cả đời không hết. Phải công khai minh bạch những trường hợp xử lý nội bộ thế này."

leftcenterrightdel
 Đại biểu Ngô Sách Thực

Quan tâm về vấn đề tội phạm ô nhiễm môi trường, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) dẫn kết quả, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.

Cụ thể, các lực lượng đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 2.782 tổ chức và 20.663 cá nhân vi phạm. Cơ quan điều tra đã khởi tố 355 vụ, 395 bị can; xử lý hành chính 19.600 trường hợp, phạt trên 243,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại biểu Ngô Sách Thực cho rằng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra trên các lĩnh vực: hoạt động xả thải vượt quy chuẩn tại các khu, cụm công nghiệp; chuyển giao, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại không đúng quy định; nhập khẩu phế liệu, thiết bị máy móc đã qua sử dụng trái quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; ô nhiễm nguồn nước do nước thải công nghiệp, các khu chăn nuôi tập trung, gây thiệt hại về tài sản và môi trường sống, gây bức xúc trong nhân dân.

“Việc xử lý vi phạm về môi trường vừa qua đã được quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được, chỉ chiếm 1,58%. Có phải nguyên nhân chủ yếu là một số tội danh về môi trường khó xác định thiệt hại như báo cáo Chính phủ nêu hay còn có nguyên nhân nào khác”, đại biểu băn khoăn.

Theo đại biểu Ngô Sách Thực, nguyên nhân của tình trạng này là do việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa nghiêm, có nơi còn né tránh; có hiện tượng nhờn luật, coi thường pháp luật, chấp nhận phạt cho tồn tại, sau vẫn tái phạm.

Đặc biệt, tội phạm về môi trường theo Bộ luật Hình sự năm 2015 không có tội nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (vì không có tội danh nào có khung hình phạt cao đến 20 năm, chung thân, tử hình) trong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường trong thực tế là rất lớn. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường hiện nay còn thiếu hoặc chưa được sửa đổi kịp thời./.

Xuân Hưng