Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
|
|
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. |
Theo Báo BVPL phản ánh, Công an TP Buôn Ma Thuật đã phối hợp với lực lượng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk chốt chặn, phát hiện đối tượng Nguyễn Lê Hoàng Phương chiếm đoạt cháu bé 27 ngày tuổi đang di chuyển trên xe khách để bỏ trốn.
Theo lời khai ban đầu của Phương, do không có khả năng sinh con nên Phương sử dụng mạng xã hội quen và biết chị N mới sinh con. Do đó, Phương đã đến phòng trọ của chị N chơi, rồi lợi dụng lúc chị N đang ngủ, chiếm đoạt cháu bé.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật trẻ em 2016, thì các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
“ Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm
…
2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em”.
Theo đó, hành vi bắt cóc trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Và người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Cụ thể:
“Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Ngoài ra, căn cứ vào động cơ, mục đích của hành vi bắt cóc trẻ em, mà người có hành vi phạm tội sẽ bị xử lý tương ứng theo quy định pháp luật.
Theo đó, nếu hành vi bắt cóc trẻ em nhằm mục đích mua bán thì sẽ bị xử lý về Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu hành vi bắt cóc trẻ em nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.