Ông Hồ Minh Lai ( SN 1963, trú thôn Phụng Tường 2, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) hỏi:

Con gái tôi là Hồ Minh Hương (SN 1993) là bị can trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 17/4/2023 con gái tôi bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Phú Yên khởi tố bị can nhưng không áp dụng biện pháp bắt tạm giam vì con gái tôi đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (con của con gái tôi sinh 16/2/2023).

Tuy nhiên, ngày 18/3/2024, khi con tôi đến Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Phú Yên để tiến hành hỏi cung bị can thì bị Cơ quan An ninh Điều tra giữ lại để tiến hành thủ tục bắt tạm giam. Ngoài ra, con gái tôi đang là mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ và là trụ cột chính của gia đình và đang mắc căn bệnh thoát vị đĩa đệm với tình trạng không thể đi đứng và có nguy cơ bị liệt toàn thân nếu không được điều trị. Vậy, việc Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Phú Yên bắt con gái tôi để tạm giam có đúng quy định của pháp luật hay không?.

Luật sư Nguyễn Văn Tứ - Phó Giám đốc Công ty Luật Lê Thị Hồng Thanh và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) trả lời:

Mang thai, sinh con là một trong những thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Nhà nước và xã hội luôn ghi nhận và bảo vệ vai trò cao quý đó của phụ nữ, điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, Bộ luật Hình sự cũng thể hiện sự khoan hồng, tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý tội phạm là nữ giới; có chính sách giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: người phạm tội là phụ nữ có thai được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm n, khoản 1 Điều 51 BLHS 2015).

leftcenterrightdel
 Luật sư Nguyễn Văn Tứ - Phó Giám đốc Công ty Luật Lê Thị Hồng Thanh và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng).

Chính sách nhân đạo, khoan hồng được thể hiện cả trong việc áp dụng hình phạt và thi hành án: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử, không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc khi người phụ nữ đang nuôi con nhỏ  dưới 36 tháng tuổi được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

Để bảo vệ phụ nữ trong vấn đề tạm giam, tạm giữ thì khoản 4 Điều 119, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

“Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi… có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác trừ các trường hợp:

a. Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b. Tiếp tục phạm tội;

c. Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

d. Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia”.

Nhà nước đã ban hành quy định mang tính nhân đạo sâu sắc nhằm bảo vệ phụ nữ trong vấn đề bắt tạm giam đối với phụ nữ, thể hiện sự thận trọng trong việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với phụ nữ, tôn trọng quyền con người và trẻ em bởi lẽ: Với điều kiện sinh hoạt trong các trại tạm giam thì không thể đảm bảo những nhu cầu thiết yếu của phụ nữ mang thai, nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi người già yếu và người bị bệnh nặng.

Hơn nữa trong những trường hợp bị can đang nuôi con nhỏ 12 tháng tuổi đã có nơi cư trú rõ ràng, không thuộc các trường hợp đặc biệt kể trên, cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác để đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc Cơ quan Công an ra quyết định bắt tạm giam đối với bị can là phụ nữ đang nuôi con nhỏ 12 tháng tuổi, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự, lại đang mắc bệnh lý nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào nếu không được chăm sóc, theo dõi cẩn trọng từ gia đình, người thân và bác sĩ là không đúng quy định tại khoản 4 Điều 119 và quy định pháp luật hình sự về bảo vệ phụ nữ mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người bị bệnh nặng.

Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm thân thể và sinh mạng chính trị của con người, của công dân, còn làm suy giảm uy tín của Nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân và vì dân, làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, nếu con ông thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 119, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì sẽ bị Cơ quan An ninh điều tra bắt tạm giam để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra trong quá trình con ông được tại ngoại.

Như vậy, đối chiếu với các quy định, nếu con ông là Hồ Minh Hương không thuộc các trường hợp được loại trừ theo các điểm a,b,c,d của khoản 4 Điều 119 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì sẽ không bị bắt tạm giam. Ông liên hệ với Cơ quan An ninh Điều tra – Công an tỉnh Phú Yên để biết thêm về trường hợp của con ông.

Xuân Nha (thực hiện)