Ông L.T.H được xác định là người ngồi trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội về Huế ngày 6/3. Ngày 8/3, một người trên chuyến bay này bị phát hiện dương tính với Covid-19 (bệnh nhân thứ 30). Tuy nhiên, theo thông tin trên một số báo, thay vì đi xét nghiệm, cách ly thì ông H. đã cho nhân viên đi cách li thay mình.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng: Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, vi phạm pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và pháp luật hình sự.

Trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay chống dịch, báo chí liên tục tuyên truyền thông tin thì Chủ tịch H. lại có hành vi gây bức xúc dư luận. Vì vậy, cần phải bị xử lý ông H. nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Tại Điều 8, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền… Từ trường hợp của ông H, chúng ta đặt ra hai tình huống: Ông H. không bị nhiễm Covid-19 và bị nhiễm Covid-19.

leftcenterrightdel
 Luật sư Diệp Năng Bình.

Luật sư phân tích: Ở trường hợp thứ nhất ông H không bị nhiễm vi rút Covid 19 thì có thể ông đã có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, quy phạm các quy định về khám chữa bệnh. Đối với hành vi này có thể xử lý về mặt hành chính, sẽ bị xử phạt theo điểm b, khoản 1 Điều 10, Nghị định 176/2013 đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, mức phạt trong trường hợp này là bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Còn ở trường hợp thứ hai, ông H. đã bị nhiễm vi rút Covid 19. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 10 Nghị định 176 hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm, hành vi này đủ yếu tố cấu thành “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tùy theo mức độ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Bên cạnh đó, cũng cần phải xử lý hình sự người nhân viên đã giúp ông ta trốn khỏi nơi cách ly với vai trò đồng phạm trong việc làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Trước đó, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng trị cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã lên danh sách 4 người trên chuyến bay này về Quảng Trị để đưa đi cách ly, trong đó có ông H. Tuy nhiên, ông H đã cho nhân viên đi cách li thay mình.

Đến sáng nay (9/3), bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng mới đưa được ông H về cách li tại TP Đông Hà. Tài xế của ông H cũng phải đưa đi cách li cùng ông H. Được biết, công ty P.Đ là công ty đang triển khai dự án năng lượng điện gió tại tỉnh Quảng Trị.

Lưu Ly