Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, căn cứ vào những tài liệu mà người dân đó là anh Mai Văn Tùng cung cấp cho thấy, anh Tùng đã trúng đấu giá và đã thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ, đồng thời cũng đã hoàn thành các nghĩa vụ về tài chính liên quan. Trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa anh Tùng và Chi cục THADS huyện Thanh Trì đã nêu rõ và cũng đã bàn giao trên thực tế. Vì vậy, anh Tùng là chủ sở hữu hợp pháp đối với thửa đất và tài sản trên đất nói trên. Do đó, anh Tùng có quyền sở hữu đối với đất và tài sản trên đất của mình. Mọi hành vi cản trở anh Tùng thực hiện quyền sở hữu và xâm phạm vào tài sản thuộc quyền sở hữu của anh đều vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
 Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

"Theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại” - Luật sư Hoàng Tùng phân tích.

Luật sư Hoàng Tùng cũng cho rằng: Người khoá cổng, “cố thủ” trước cửa nhà anh Mai Văn Tùng cần bị xử lý nghiêm. “Nếu xác định khu nhà mái tôn mà người lạ sinh sống là đất lưu không thì người này cũng đã vi phạm và cần bị xử lý nghiêm minh” - Luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 157 Luật Đất đai 2013 và Điều 56 Nghị định số 43/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai thì: Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình. Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Khu nhà đất của anh Tùng không có lối đi vì cổng bị “người lạ” khóa không thể vào.

Tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với UBND cấp xã và Phòng TN&MT nơi có công trình rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Trường hợp sử dụng đất có ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình hoặc trường hợp hoạt động của công trình có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người sử dụng đất thì cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với công trình tiến hành thẩm định mức độ ảnh hưởng, nếu phải thu hồi đất thì đề nghị UBND cấp có thẩm quyền để quyết định thu hồi đất đó. Người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản gắn liền với đất đã có từ trước khi hành lang an toàn công trình được công bố, tái định cư theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Giấy CNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất mang tên anh Tùng.

Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục. Chủ công trình phải chịu trách nhiệm đối với việc khắc phục đó; nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật;

Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình. Trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, bị chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu UBND cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn công trình xử lý.

Chủ tịch UBND các cấp nơi có công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm sau: Phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình; ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ an toàn công trình; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an toàn công trình; phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc công bố mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình; trường hợp để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình tại địa phương thì Chủ tịch UBND các cấp phải liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, theo phản ánh của anh Mai Văn Tùng (SN 1991, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) năm 2019, anh có mua nhà đất đấu giá tại xóm Đầm Chùa, thôn Đông Trạch, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội với giá hơn 1,3 tỉ đồng. Đến ngày 22/9/2020, anh Tùng được Chi cục THADS huyện Thanh Trì bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá. Sau đó anh đã sang tên và được cấp “sổ đỏ” ngày 23/12/2020. Tuy nhiên, khi anh Tùng dọn đến ở nhà đất mà mình đứng tên thì thấy có người khác khóa cổng, “cố thủ” không cho anh vào nhà đất của mình. Ngay sau đó, anh Tùng đã làm đơn kêu cứu nhiều nơi.

Đáng chú ý, sau khi nhận được đơn của anh Tùng, Công an huyện Thanh Trì đã có Thông báo số 15/TB-CSDT-ĐTTH ngày 12/1/2022 cho rằng, khu vực người khác đang ở mà anh Tùng phản ánh là đất lưu không, đây là diện tích mà gia đình chủ cũ thửa đất vẫn sử dụng từ trước đến nay…. Để vào diện tích đất mà anh Tùng được bàn giao chỉ có một lối đi duy nhất là đi qua phần đất cơ đê mà nhà chủ cũ thửa đất vẫn sử dụng. Phần đất cơ đê này là nguồn gốc đất lưu không thuộc đất công.

leftcenterrightdel
 Biên bản của cơ quan THADS Thanh Trì thể hiện rõ tài sản và nhà đất do anh Mai Văn Tùng trúng đấu giá.

Không đồng ý với thông báo của cơ quan Công an nên sau đó, anh Tùng đã làm đơn tố cáo. Nhận được đơn của anh, VKSND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 3937/PC-P12, 3938PC-P12 và văn bản số 3939PC-P12 gửi anh Tùng trong đó nêu rõ đã chuyển đơn tố cáo của anh đến Công an huyện Thanh Trì để giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm kể từ khi trúng đấu giá, được bàn giao tài sản anh Tùng vẫn chưa thể vào được nhà đất của mình. Điều này khiến quyền và lợi ích hợp pháp của anh bị ảnh hưởng nặng nề.

Cũng theo Luật sư Hoàng Tùng, đối với phần đất lưu không này, anh Tùng là chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất phía trong. Và như đã phân tích ở trên, người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình. “Theo đó, anh Tùng hoàn toàn có quyền sử dụng phần đất này làm lối đi vào thửa đất của mình. Người khoá cổng, “cố thủ” không cho anh Tùng vào nhà cần bị xử lý nghiêm. Nếu xác định họ sinh sống trên phần đất lưu không thì người này cũng vi phạm và cần bị xử lý theo quy định. Các cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý kiên quyết các vi phạm này”” - Luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm.

P.V (t/h)