Luật sư: Tội phạm cướp ngân hàng táo tợn, liều lĩnh

Chiều 15/11/2022, Công an thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp bắt giữ đối tượng Trần Thanh Luân (SN 1997) ngụ xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc về hành vi cướp ngân hàng.

Cụ thể, vào lúc 16h 45', ngày 15/11/2022, đồng chí Nguyễn Trường Giang, cán bộ Công an Phường 2, thành phố Sa Đéc trong lúc đi địa bàn phát thư mời cấp Căn cước công dân tại khu vực Chợ thực phẩm Sa Đéc thuộc Phường 2, thành phố Sa Đéc thì nhận được điện thoại của chị L.T.M, Trưởng Phòng giao dịch Ngân hàng Sacombank chi nhánh Sa Đéc báo tin ngân hàng bị cướp. Đồng chí Giang nhanh chóng tiếp cận hiện trường, đồng thời báo cáo Công an thành phố Sa Đéc cử lực lượng đến hiện trường khống chế, bắt giữ đối tượng Trần Thanh Luân.

Qua làm việc ban đầu, đối tượng Trần Thanh Luân khai nhận, do vay tiền của công ty tài chính từ năm 2018 đến nay với tổng số tiền 50 triệu đồng và vay của một người tên T ở thành phố Sa Đéc 15 triệu đồng. Do không có khả năng chi trả nên cách đây 2 ngày, Luân mua hộp quẹt (bật lửa) hình cây súng và một số đồ dùng để chế tạo bom giả làm phương tiện gây án.

Khoảng 16h15', ngày 15/11/2022, Luân đón xe buýt đi từ xã Tân Khánh Đông đến Chợ thực phẩm Sa Đéc (gần Phòng giao dịch Ngân hàng Sacombank chi nhánh Sa Đéc) thì xuống xe và đi vào ngân hàng giả vờ giao dịch, chuyển tiền. Thấy vắng khách, đối tượng Luân đã dùng súng và bom tự chế khống chế, yêu cầu các nhân viên ngân hàng ngồi im, đồng thời Luân đưa ba lô yêu cầu nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào ba lô. Trong khi các nhân viên ngân hàng để 1,75 tỉ đồng vào ba lô thì lực lượng Công an đã khống chế, bắt giữ đối tượng. Được biết, trước đó đối tượng Luân chưa có tiền án, tiền sự.

leftcenterrightdel
 Tang vật được cảnh sát thu giữ. Ảnh: CACC.

Lực lượng Công an đã thu giữ tang vật tại hiện trường, gồm: số tiền 1,75 tỉ đồng, 1 ba lô, 1 bật lửa hình khẩu súng, 1 kích nổ, 1 cục giấy và nhựa giống bom tự chế.

Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Sa Đéc xác minh, làm rõ. 

leftcenterrightdel
 Ngân hàng Sacombank - nơi xảy ra vụ cướp ngân hàng. 

Phân tích về các vụ cướp ngân hàng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Ngọc Thắng– Công ty Luật TNHH XTVN (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: so với các cơ quan, tổ chức khác trong xã hội, ngân hàng là nơi chứa nhiều tiền nhất, đó là lý do khiến nhiều đối tượng cùng quẫn, coi thường pháp luật nảy lòng tham, muốn chiếm đoạt tiền.

Tuy nhiên, ngân hàng là nơi được kiểm soát nghiêm ngặt, có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, có hệ thống chuông báo động và lực lượng thường xuyên được tập huấn về đảm bảo an ninh nên việc các đối tượng tấn công vào ngân hàng để chiếm đoạt tài sản không dễ dàng.

Nếu thực hiện hành vi dùng vũ lực uy hiếp nhân viên ngân hàng để cướp tài sản sẽ để lại rất nhiều dấu vết, chứng cứ để cơ quan chức năng có thể truy tìm, phát hiện bắt giữ đối tượng. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ cướp ngân hàng cho thấy vấn đề an ninh trật tự đang diễn biến rất phức tạp.

Theo quy định tại Điều 168 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội cướp tài sản thì hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà mức hình phạt đối với tội này có thể đến hình phạt tù chung thân.

Theo Điều 1 BLHS năm 2015, BLHS có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ trật tự xã hội, chống mọi hành vi phạm tội mà một trong số đó là hành vi chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Luật sư Thắng cho rằng, trong nhiều vụ cướp ngân hàng thời gian gần đây thấy có lỗi của lực lượng bảo vệ khi không có phản ứng gì để tích cực, ngăn cản, gây khó khăn cho đối tượng khi thực hiện hành vi cướp tài sản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ cướp ngày càng xảy ra nhiều hơn.

Các đối tượng cướp tài sản tại ngân hàng nhanh chóng bị bắt giữ bởi thường các đối tượng "làm liều" (dùng súng và bom tự chế khống chế) chứ không phải là những băng cướp chuyên nghiệp. Những đối tượng đã để lại rất nhiều dấu vết, thông tin, hình ảnh tại hiện trường qua hệ thống camera giám sát, những người làm chứng và các dấu vết để lại trên hiện trường vụ án. 

Các vụ cướp ngân hàng táo tợn như vậy thường gây ra tâm lý hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên việc vào cuộc của cơ quan điều tra sẽ quyết liệt hơn, triệt để hơn để nhanh chóng bắt giữ đối tượng.

Bộ Công an đưa ra các giải pháp để hạn chế cướp ngân hàng

Bộ Công an cũng đưa ra nhiều lưu ý đối với người dân trước và sau khi thực hiện các hoạt động giao dịch liên quan đến gửi và rút tiền mặt tại các phòng giao dịch của ngân hàng. Theo đó, người dân cần tìm hiểu các quy định về công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các phòng giao dịch khi đến thực hiện các hoạt động liên quan. Tuân thủ sự hướng dẫn của bảo vệ các phòng giao dịch nhằm phục vụ công tác bảo vệ. 

Nâng cao tinh thần cảnh giác phòng ngừa các đối tượng cướp ngân hàng, chú ý quá trình bảo vệ tài sản và tiền khi lưu thông từ nơi cất giữ đến ngân hàng và ngược lại, nhất là vào những khung thời gian, đoạn đường vắng vẻ, ít người qua lại và ngay tại thời điểm vừa cầm tiền ra khỏi ngân hàng. 

Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn, các vụ án liên quan đến tội phạm cướp ngân hàng trên các phương tiện thông tin, báo chí để hạn chế những sơ suất để tội phạm khai thác và có giải pháp tự bảo vệ bản thân khi gặp các đối tượng cướp ngân hàng.

Tích cực hợp tác với các cơ quan Công an trong công tác phòng ngừa, điều tra, đấu tranh với các vụ án do tội phạm cướp ngân hàng gây ra để khẩn trương truy bắt đối tượng, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. 

Tuấn Anh