Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – thuộc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng – Công ty Luật TNHH Hùng Thắng.

Mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài nhiều ngày trên diện rộng đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản của nhân dân và nhà nước tại các tỉnh miền Trung. Đồng cảm với những mất mát, thiệt hại từ bão lũ mà đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra kêu gọi ủng hộ giúp đỡ và đến tận nơi để thực hiện hỗ trợ người dân ở đây.

Tuy nhiên, theo Điều 4 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì chỉ các tổ chức, đơn vị sau đây mới được phép kêu gọi, vận động đóp góp tiền, hàng cứu trợ; được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ. Cụ thể:

  Điều 4. Tổ chức kêu gọi, vận động đóp góp tiền, hàng cứu trợ

1. Khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân thì tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng cứu trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.

2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ theo hệ thống Chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước.

3. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ xã hội, quỹ từ thiện) được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo, Đài); các tổ chức đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ...”.

Mặc dù pháp luật quy định ngoài các đơn vị, tổ chức nêu trên thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền kêu gọi, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Nhưng hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định về chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm quy định này.

Ngoài ra, việc nhân dân quyên góp, ủng hộ tiền, tài sản để làm từ thiện bản chất chính là việc tặng cho tài sản. Đây là một giao dịch dân sự và được Bộ luật Dân sự điều chỉnh dựa trên nguyên tắc cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 201. Cụ thể:

“Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Do đó, việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của các cá nhân, hội nhóm thiện nguyện không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trường hợp cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện nhằm mục đích trục lợi thì tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hương My