Liên quan đến câu hỏi của bạn, Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Luật Hiếu Hùng có ý kiến tư vấn như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Lê Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH Luật Hiếu Hùng. 

Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“1. Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

4. Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).”

Như vậy, khi nộp đơn khởi kiện, Tòa án có trách nhiệm tiếp nhận đơn khởi kiện và xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án có trách nhiệm phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Sau khi xem xét đơn khởi kiện, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải ban hành một trong các quyết định sau:

- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;

- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Có thể thấy, theo quy định của pháp luật, dù trong bất kỳ trường hợp nào, trong thời hạn tối đa 8 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải có phản hồi đối với đơn khởi kiện của bạn (yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc thụ lý hoặc chuyển đơn khởi kiện hoặc trả lại đơn khởi kiện).

Trường hợp quá thời hạn nêu trên, bạn có thể tham khảo cách giải quyết như sau:

- Xem xét đơn khởi kiện của mình có gửi đúng địa chỉ của Tòa án hay không (trong trường hợp gửi qua dịch vụ bưu chính)?

- Bạn đã nộp tạm ứng án phí đầy đủ theo quy định của pháp luật hay chưa? Nếu chưa thực hiện thì bạn cần phải hoàn thành thủ tục nộp tạm ứng án phí?

- Trong trường hợp đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định nhưng vẫn không nhận được phản hồi, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi Chánh án Tòa án nhân dân nơi bạn nộp đơn khởi kiện để phản ánh về việc chậm trễ giải quyết đơn khởi kiện và đề nghị sớm giải quyết đơn khởi kiện cho bạn.

 

Minh Giang