Báo cáo Thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội khẳng định, Ủy ban TCNS nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Tạo điều kiện về tài chính, ngân sách

Về chính sách dư nợ vay. Dự thảo Nghị quyết quy định tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách các tỉnh, thành phố do Quốc hội quyết định hằng năm.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc. 

Đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo Nghị quyết và cho rằng, quy định này góp phần tạo dư địa để thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển.

Về Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách Thành phố và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Đa số ý kiến nhất trí với quy định này của Dự thảo Nghị quyết.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Nghệ An: Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Đa số ý kiến nhất trí với quy định này của Dự thảo Nghị quyết.

Đối với tỉnh Thanh Hóa: hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Đa số ý kiến nhất trí với quy định này của Dự thảo Nghị quyết.

Về định mức chi thường xuyên. Tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban TCNS nhất trí với Dự thảo Nghị quyết, vì đây là cơ chế đã được quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Tăng thẩm quyền về quản lý đất đai

Về quản lý đất đai. Đối với tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An: Dự thảo Nghị quyết quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn với quy mô trên 50 héc ta; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô trên 500 héc ta. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai”.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc tại Hội trường Diên Hồng sáng 27/10.

Ủy ban TCNS cho rằng, theo quy định hiện hành, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 hecta trở lên, đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển bảo vệ môi trường từ 500 hecta thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tuy nhiên, Quốc hội chỉ họp 2 lần 1 năm nên việc trình Quốc hội trước khi thực hiện có thể chậm trễ. Để bảo đảm tính kịp thời và vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch, Ủy ban TCNS đề nghị Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự thảo Nghị quyết quy định “Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha và Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000 ha”.

Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Dự thảo Nghị quyết và cho rằng, cơ chế này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các địa phương trong trường hợp cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, đề nghị lưu ý việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân. Việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của người phân cấp và được phân cấp để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Đối với thành phố Hải Phòng. Dự thảo Nghị quyết quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định”.

Theo quy định pháp luật hiện hành, thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô từ 10 héc ta đến dưới 500 héc ta và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban TCNS cho rằng, để đẩy mạnh phân cấp, phần quyền quản lý hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có thể giao Hội đồng nhân dân tỉnh thành phố Hải Phòng quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị lưu ý việc thực hiện cần công khai, lấy ý kiến người dân, được sự đồng thuận của các chủ thể chịu sự tác động, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực và phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về thu từ xử lý nhà, đất. Dự thảo Nghị quyết quy định “Ngân sách tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh)”.

Đa số ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất với chính sách hiện nay thành phố Hồ Chí Minh đang được hưởng theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 và góp phần tạo nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế, đề xuất này là phù hợp.

Vì vậy, đồng ý như Dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, theo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 thì thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có khoản thu nào từ cơ chế này. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn về cơ sở pháp lý để thực hiện thuận lợi.

Vũ Cảnh