Đổi tiền mới nhộn nhịp trên "chợ mạng"
|
|
Đổi tiền mới có thu phí diễn ra dịp cận Tết Nguyên đán là vi phạm pháp luật. |
Bất chấp việc vi phạm pháp luật, thị trường đổi tiền lì xì gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vẫn diễn ra nhộn nhịp trên chợ mạng với nhiều mức phí khác nhau. Trên thị trường đổi tiền mới, các cá nhân từ những “chợ đen” trên mạng xã hội vẫn thản nhiên rao đổi tiền mới với đủ mệnh giá. Các tài khoản mạng xã hội facebook đăng hình ảnh nhiều cọc tiền mới với đủ mệnh giá để rao đổi với đủ các loại tiền từ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng cho đến 200.000 đồng với mức phí quy đổi 3-10% (tùy loại tiền). Theo đó, với tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, mức phí cao hơn so với các mệnh tiền khác, khi khách đổi nhiều sẽ giảm mức phí.
Trên thực tế, việc đổi tiền mới, tiền lẻ sẽ có mức ăn chênh lệch khá cao, thậm chí có thể lên đến 90% đối với mệnh giá tiền 500 nghìn Việt Nam đồng, ăn chênh lệch 10% đến 20% đối với tiền có mệnh giá 5.000 Việt Nam đồng. Đặc biệt, các loại tiền lẻ mệnh giá dưới 1.000 đồng khan hiếm hơn và được “hét” với mức phí “cắt cổ” do hiện nay số tiền này đang trở nên khan hiếm và chỉ có một số đầu mối trên mạng rao bán với giá cao hơn hàng chục lần. Mỗi tờ 100 đồng có giá 30.000 đồng, còn tờ 200 đồng có giá giao động khoảng 15.000 đồng/tờ. Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng, loại tờ tiền mệnh giá 100 đồng và 200 đồng hiện không còn nhiều, thỉnh thoảng mới có được một ít nên khách hàng nào đổi trúng dịp may ra đổi được. Còn với loại tiền từ 1.000 đồng trở lên, nguồn cung khá dồi dào
Đổi tiền mới thu phí là vi phạm pháp luật
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán, phục vụ lưu thông hàng hóa tiền tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước luôn cung ứng và đáp ứng đủ tiền mặt cả về số lượng, cơ cấu và mệnh giá thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là cho doanh nghiệp thương mại, siêu thị dịp cuối năm và Tết cổ truyền.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, tình trạng đổi tiền mới nhộn nhịp trên mạng có thu phí vẫn diễn ra dịp cận Tết Nguyên đán là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết ăn chênh lệch bị xử lý như thế nào?
Vì hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ để ăn chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, hành vi này xâm phạm đến trật tự xã hội và xâm phạm đến hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, với hành vi này thì cá nhân hay tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền để ăn chênh lệch sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP thì cá nhân vi phạm việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP cũng quy định về mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, khi tổ chức thực hiện hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ dịp Tết để ăn chênh lệch sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức tiền từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị "bùng" tiền đặt cọc...
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo, yêu cầu cán bộ ngân hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những đối tượng đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận phản ánh và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để quản lý tốt, hạn chế sai phạm phát sinh, bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
|