Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng.

Theo quy định tại Điều 5, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia” là một trong các hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, Trong các bữa tiệc gặp gỡ, liên hoan, ăn uống, các buổi tất niên, dịp tết vẫn thường xuyên xảy việc lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

Vậy Pháp luật quy định hình thức xử phạt người có hành vi ép buộc người khác uống rượu bia như thế nào?

Tại Điều 30, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 30. Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;

b) Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;

b) Ép buộc người khác uống rượu bia.”

Như vậy, đối với cá nhân mức xử phạt cao nhất đối với hành vi ép người khác uống rượu, bia trong dịp Tết và tất niên có thể lên tới 3 triệu đồng. Đối với tổ chức, mức xử phạt hành vi ép người khác uống rượu, bia sẽ gấp 2 lần mức phạt tiền so với cá nhân.

Đồng thời, hành vi cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo Điều 596, Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể:

“Điều 596. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra

1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.”

Theo đó, người ép người khác uống rượu bia phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại nếu như người bị ép uống rượu bia gây ra thiệt hại.

Hương My (T/h)