Đề nghị Công an điều tra, làm rõ trách nhiệm của Công ty Viwausupco

Sáng 15/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội, trong đó có Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung có cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội. 

Trả lời câu hỏi của cử tri, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ngày 10/10, thành phố có nhận được tin nhắn của người dân và báo chí phản ánh về việc nước sạch tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai có mùi bất thường và đã thành lập đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra đã khảo sát toàn bộ nguồn cung, xả nước của nhà máy nước sông Đà thuộc Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwausupco) và cho đến nay đã có kết quả.Viwasupco đã biết về việc dầu phế thải đổ trộm vào con suối, chảy ra hồ từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo, không có biện pháp thích hợp để ngăn chặn hậu quả.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh vnexpress

"Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm trường hợp này. Chúng tôi đã đề nghị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình cùng phối hợp làm rõ trách nhiệm của công ty này" - ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chung, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Công ty súc xả toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước và Công ty phải chi trả kinh phí. Thành phố cũng lên phương án điều hoà nguồn nước sạch từ nhà máy khác nếu thiếu nước cục bộ trong thời gian Viwausupco súc xả nguồn nước.

* Hành vi xả thải có thể đối mặt với hình phạt từ 3 đến 7 năm tù

Ngày 14/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết: “Những ngày qua chất lượng nước ở phía Tây Hà Nội có bốc mùi, gây xôn xao dư luận. Ngay lập tức chúng tôi đã trao đổi với sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và có những thông tin về nguyên nhân ban đầu.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh màu nước đen kịt và bóng nhẫy ở con suối thượng nguồn sông Đà nghi bị đổ trộm dầu thải (ảnh chụp sáng ngày 14/10).

Cụ thể, ở vùng thượng lưu Sông Đà (tỉnh Hòa Bình) nơi cung cấp nguồn nước cho nhà máy xử lý nước sạch cung cấp cho Hà Nội có con suối Trâm chảy ra kênh nơi dẫn nước vào nhà máy xử lý nước thải, tuy nhiên theo phản ánh của người dân phát hiện có 1 xe tải 2,5 tấn lớn đã đổ trộm dầu thải vào khu vực này thuộc địa bàn xã Phúc Tiến, Phú Minh”.

Sáng 15/10, trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và phải căn cứ vào những kết quả này mới có thể đánh giá một cách đầy đủ về sự việc. Tuy nhiên, nếu thông tin người dân cung cấp là đúng và được chứng minh thì hành vi đổ trộm dầu thải (nếu có) sẽ phải đối diện với mức xử lý nghiêm khắc của pháp luật.

Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.

leftcenterrightdel
 Chất bẩn nghi là dầu thải phát hiện ở con suối (ảnh chụp sáng ngày 15/10).

Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.

Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.

 

MK