(BVPL) - Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Sau gần 2 năm thi hành trên thực tế, vẫn còn nhiều vướng mắc, thắc mắc trong cán bộ, công chức, người lao động do có sự điều chuyển, thay đổi công việc, vị trí công tác…theo quy định mới, nhiều nơi, nhiều chỗ áp dụng còn khác nhau, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những người chịu sự điều chỉnh của Luật này… Báo BVPL trích giới thiệu một số quy định, có thể bạn chưa biết…
Phân biệt giữa viên chức và người lao động
Người làm việc ở trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có bệnh viện công lập) bao gồm: công chức đứng đầu đơn vị, viên chức và người lao động.
Viên chức là người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc (HĐLV), hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập đó. Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Căn cứ vào kết quả tuyển dụng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết HĐLV với người trúng tuyển vào viên chức. Có 2 loại HĐLV là:
- HĐLV xác định thời hạn, là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. HĐLV xác định thời hạn áp dụng đối với người trúng tuyển vào viên chức (trừ trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức).
- HĐLV không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. HĐLV không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp đã thực hiện xong HĐLV xác định thời hạn và trường hợp cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.
Người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập là người thực hiện một số loại công việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ như: Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp; Lái xe; Bảo vệ; Vệ sinh; Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp; nấu ăn tập thể, tạp vụ, mộc nề, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong cơ quan, tổ chức, đơn vị,...
HĐLĐ gồm các loại sau đây:
- HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
- HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
- HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Khi HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì HĐLĐ xác định thời hạn đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.
Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn.
Điều kiện chuyển từ viên chức sang công chức
Khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 42 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định việc chuyển đổi viên chức sang công chức như sau:
Viên chức đã có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự), có trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác và đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, khi cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng thì được xét chuyển vào công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức.
Viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì phải thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức; đồng thời quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm là quyết định tuyển dụng.
Viên chức được bổ nhiệm giữ các vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập mà pháp luật quy định là công chức khi bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm phải hoàn thiện tiêu chuẩn của ngạch được bổ nhiệm; đồng thời được giữ nguyên chức danh nghề nghiệp đã bổ nhiệm, được hưởng chế độ tiền lương và các chế độ khác như viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập.
Quyền lợi công chức khi được điều động sang đơn vị sự nghiệp
Khoản 1, khoản 2, Điều 39 Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với công chức được điều động như sau:
Trường hợp công chức được điều động đến vị trí công tác khác không phù hợp với ngạch công chức hiện giữ thì phải chuyển ngạch và thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, kể từ ngày có quyết định điều động.
Trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được điều động đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 6 tháng.
Theo quy định tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ thì đối tượng áp dụng phụ cấp công vụ không bao gồm công chức quy định tại Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP và không bao gồm người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, công chức, người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập (trực thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện) thì không thuộc đối tượng áp dụng phụ cấp công vụ.
Hoàng Nam