Về vấn đề này, Luật sư Phạm Ngọc Oanh – Luật sư Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Phạm Ngọc Oanh – Luật sư Công ty Luật TNHH Hùng Thắng.

 

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID – 19, nhiều địa phương đã lập các chốt kiểm dịch để lấy thông tin y tế, kiểm tra thân nhiệt và giấy tờ đi đường của những người qua lại nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội tại những vùng đang bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đại đa số người dân đều hưởng ứng, chấp hành thì có nhiều người vẫn có hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ. Với những người có hành vi trên, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

1. Xử lý vi phạm hành chính:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ thì mọi hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật; không chấp hành sự điều hành, hướng dẫn, yêu cầu của người thi hành công vụ; chống đối hoặc cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ; lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo để lôi kéo, xúi giục, kích động người khác chống người thi hành công vụ; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người thi hành công vụ; xâm hại tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của lực lượng thi hành công vụ hoặc các hành vi khác nhằm chống người thi hành công vụ đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Do đó, đối với những người có hành vi gây rối tại các chốt kiểm soát dịch bệnh nhằm ngăn cản việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu hành vi đó chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền cao nhất lên đến 5.000.000 đồng. Cụ thể quy định:

Điều 20. Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ;

b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

c) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này.”

2. Xử lý hình sự:

Tại Tiểu mục 1.9 Mục 1 Công văn 45/2020/TANDTC-PC V/v xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID -19 hướng dẫn như sau: “1.9. Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330.”.

Như vậy, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người có hành vi gây rối tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sẽ bị xử lý về Tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt cao nhất đến 07 năm tù. Cụ thể quy định:

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.”

 

Hương My