Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
|
|
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. |
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID – 19 đang diễn ra hết sức phức tạp tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Trước sự lây lan nhanh chóng và khó kiểm soát của dịch bệnh COVID – 19, ngày 29/01/2020, Bộ y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc Bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV (hay còn gọi là “COVID – 19”) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Như vậy, dịch bệnh COVID – 19 được xem là một trong những loại dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm.
Theo quy định tại Điều 29 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc được thực hiện như sau:
“Điều 29. Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc
1. Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.
2. Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
3. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
4. Miễn phí sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong các trường hợp sau:
a) Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch;
b) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch;
c) Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này”.
Đồng thời, tại Điểm a Khoản 2 Điều 30 của Luật này quy định Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 29 của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007. Như vậy, người dân có nghĩa vụ tiêm vắc xin đối với loại bệnh nằm trong danh mục phải sử dụng vắc xin bắt buộc do Bộ Y tế ban hành.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế về danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc thì các bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch bao gồm 8 loại bệnh truyền nhiễm sau: Bệnh bạch hầu, Bệnh bại liệt, Bệnh ho gà, Bệnh rubella, Bệnh tả, Bệnh sởi, Bệnh viêm não Nhật Bản B và Bệnh dại.
Như vậy, COVID – 19 không nằm trong danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin bắt buộc theo quy định của Thông tư số 38/2017/TT-BYT. Vì vậy, hiện tại chưa có cơ sở để xử phạt những người có hành vi từ chối tiêm vắc xin COVID – 19. Hơn nữa, trên thực tế các cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện chính sách khuyến khích người dân đi tiêm chủng vắc xin trên tinh thần tự nguyện để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID – 19 diễn ra ngày càng phức tạp và khó kiểm soát thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể ban hành các quy định về việc yêu cầu người có đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin COVID - 19 (đủ điều kiện về sức khỏe, tuổi...) thực hiện tiêm vắc xin bắt buộc. Trong trường hợp mà người được yêu cầu từ chối, không chịu tiêm chủng thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Cụ thể:
“Điều 9. Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế
…..
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền;
…..”