Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có ý kiến như sau:
|
|
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. |
Hành vi sản xuất găng tay cao su không đảm bảo chất lượng có ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe con người. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 đang bùng phát như hiện nay thì găng tay cao su dùng một lần được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực y tế để phòng, chống dịch nên đã có không ít các doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Nếu tổ chức hay cá nhân thực hiện hành vi này thì tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà tổ chức hay cá nhân đó có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Xử lý Hành chính
Theo Khoản 8 Điều 03 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
8. “Hàng giả” gồm:
a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
…
e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
…”
Do đó, đối với găng tay cao su chưa công bố tiêu chuẩn sản phẩm hoặc có giá trị sử dụng, chất lượng không đúng với tiêu chuẩn sản phẩm đã công bố hoặc đăng ký, có vỏ bao bì ghi “Made in Malaysia” nhưng thực chất được sản xuất và đóng gói tại Việt Nam thì theo quy định trên đều là Hàng giả.
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi sản xuất găng tay cao su là hàng giả không đảm bảo chất lượng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng với mức phạt tiền cao nhất lên đến 120 triệu đồng và xử phạt theo Điều 14 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa với mức phạt tiền cao nhất lên đến 90 triệu đồng.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về sản xuất hàng giả còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung theo Khoản 3 Điều 12 và Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP đối với từng hành vi vi phạm, cụ thể như: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm đến 24 tháng. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 và Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP như: Buộc tiêu hủy tang vật; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường; …
Ngoài ra, đối với cá nhân, tổ chức sản xuất găng tay cao su sử dụng trong lĩnh vực y tế mà không có không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc giấy chứng nhận lưu hành tự do để lưu hành trên thị trường thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 55 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một hành vi vi phạm và bị buộc tiêu hủy hoặc tái chế trang thiết bị y tế vi phạm đó.
Xử lý Hình sự
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi sản xuất găng tay cao su không đảm bảo chất lượng sẽ bị xử lý hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
“Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
…
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Như vậy, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù lên đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 9.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.