leftcenterrightdel
"Dịch vụ" gọi vong, chữa bách bệnh thu tiền được báo chí phản ánh. 

Báo Lao động có bài điều tra phản ánh, chùa Ba Vàng lâu nay thành nơi để “thỉnh vong”, khi “vong lên” người tham gia sẽ bị đòi tiền. Muốn khỏi bệnh tật hoặc tai ách, những người tham gia lễ thỉnh vong này phải làm lễ tại gia, tu thân và nộp tiền có khi lên tới cả chục triệu đồng. Sau khi bài viết được đăng tải và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người dân đã bày tỏ sự lo lắng và hoang mang trước sự việc này.

Trao đổi với PV, luật sư Luật sư Nguyễn Duy Tiền – Chi nhánh Công ty Luật Lê Nguyễn tại Đà Nẵng cho rằng: Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra, xác minh sự việc mà báo chí phản ánh là cần thiết nhằm làm rõ nội dung vụ việc, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). 

Về pháp lý, năm 2016 chúng ta đã có Luật tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó đã có quy định rất rõ thế nào là tín ngưỡng, thế nào là tôn giáo. Theo nội dung vụ việc báo chí đăng tải, tôi cho rằng có dấu hiệu tương đối rõ ràng của hành vi mê tín, dị đoan tại chùa Ba Vàng (tức lợi dụng niềm tin, sự mê tín của người khác dẫn đến việc trục lợi dựa trên những điều mơ hồ, quái dị không có thật). 

Về chế tài, tuỳ vào mức độ của hành vi vi phạm mà người thực hiện hành vi mê tín dị đoan có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính Phủ với mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng, ngoài ra còn phải khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi mê tín dị đoan. 

Với mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan theo quy định tại điều 320 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức phạt cao nhất đến 10 năm tù, tất nhiên việc có xử lý không, xử lý hành chính hay hình sự... sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà cơ quan chức năng phải có trách nhiệm làm rõ. 

leftcenterrightdel
Những buổi rao giảng truyền bá "oan gia trái chủ". 

Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP.HCM thì cho rằng, trong vụ việc này, các hành vi gây mê tín, dị đoan chỉ là thủ đoạn để họ buộc người khác vì tin tưởng, vì lo sợ... phải đưa tiền để họ thực hiện các lễ, hình thức nhằm giải trừ vận hạn.

Với các hành vi như vậy có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” của Bộ luật hình sự. Luật sư Phượng cho rằng tội “Cưỡng đoạt tài sản” mới thể hiện hết bản chất của vụ việc và số tiền mà họ đã chiếm đoạt của nhiều người. Trong khi đó tội hành nghề mê tín dị đoan không thể hiện hết mức độ gây ra tinh thần cho người đã đưa tiền.

leftcenterrightdel
 Trụ trì chùa Ba Vàng livestream minh oan.
Các luật sư đều cho rằng cần thiết phải làm “đến nơi đến chốn” để xử lý nghiêm hành vi mê tín dị đoan - nếu có, đặc biệt trong những trường hợp thu lợi bất chính lớn để siết chặt hoạt động tâm linh ngày càng có nhiều biến tướng trong xã hội hiện nay.

Cụ thể hơn về vụ việc, nhiều người quan tâm đến vấn đề ở chùa Ba Vàng có thể dễ dàng tìm thấy trên Youtube nhiều video phật tử Phạm Thị Yến (pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán), Chủ nhiệm CLB Cúc vàng - Tập tu lục hòa thuộc chùa Ba Vàng giảng về chuyện vong hồn, oan gia trái chủ, muốn thoát khỏi bệnh tật và vận hạn phải giải trừ nghiệp. Theo đó, những video này thường nói về các vấn đề tâm linh, hoang đường, mang đậm tính chất mê tín như búp bê ma Kumanthong, ác quỷ hay duyên số. Bà Phạm Thị Yến thường giảng giải trong các clip, mọi điều xấu đến với con người đều do duyên nghiệp kiếp trước hay do ác quỷ, vong linh tạo thành.

Thậm chí, bà Yến đã dẫn chứng những con người cụ thể (nạn nhân của vụ cô gái giao gà bị sát hại ở Điện Biên), lôi cả những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và có những lời lẽ xúc phạm rằng họ có ác nghiệp nên bị báo oán.

leftcenterrightdel
 Các "kênh" truyền bá của chùa Ba Vàng trên mạng xã hội.

Luật sư Phạm Tuấn Anh - Đoàn Luật sư TP. HCM khẳng định: Việc sử dụng tên hoặc một vụ án hình sự man rợ để lấy đó làm ví dụ của bà Yến tại chùa Ba Vàng là một hành vi trái với giáo lý nhà phật và đạo đức xã hội. Hành vi của một người tu hành làm trái giáo lý của đạo Phật, gây hoang mang, lo sợ bởi những nỗi sợ vô cớ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bà Yến phù hợp với dấu hiệu khách quan, mặt chủ quan của tội “ Cưỡng đoạt tài sản”  được quy định trong Bộ luật Hình.

Viện dẫn Khoản 1, Khoản 2, Điều 170 và Điều 320, Bộ luật hình sự, Luật sư Tuấn Anh cho rằng cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh xem bà Yến đã thực hiện hành vi này lâu chưa. Ngoài bà Yến và những người mà báo chí phát giác thì những thành viên liên quan của chùa Ba Vàng có liên quan hay không.

leftcenterrightdel
Bà Phạm Thị Yến trong clip "gọi vong" được đăng trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip

Trường hợp, bà Yến dùng các thủ thuật “bói toán”, “mê tín, dị đoan” để chiếm tiền của người dân thì có thể xử lý hình sự tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn nếu, người dân “tín ngưỡng mù quáng”, tự nguyện đến chùa nhờ hoặc thuê bà Yến “gọi vong” thì rất khó cáo buộc bà này tội danh trên. Nếu vậy thì chỉ có thể xử lý bà Yến theo Điều 170 và 320, Bộ luật hình sự 2015. Theo luật sư Tuấn Anh này, trước mắt cơ quan chức năng vào cuộc xác minh rõ động cơ, mục đích của hành động “gọi vong báo oán” rồi mới có cơ sở xác định các hành vi phạm tội (nếu có) của bà Yến và những người liên quan.

Được biết, dù không nắm giữ chức vụ nào cụ thể tại chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) nhưng sức ảnh hưởng của bà Yến tới nhà chùa rất lớn. Bà thường xuyên xuất hiện tại các buổi tọa đàm và trong các tài liệu tuyên truyền của nhà chùa.

Hiện kênh YouTube của bà Yến đã có gần 90.000 lượt theo dõi với hàng trăm video về tâm linh chỉ sau hơn 2 năm thành lập. Trang Facebook của bà Yến cũng đạt hơn 100.000 người theo dõi...

Điều 320 Bộ luật hình sự:
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Điều 170 Bộ luật hình sự:
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 


Khánh An