Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) chia sẻ như sau:

Vận thăng là một thiết bị nâng hạ rất quan trọng trong xây dựng nhà cao tầng, đây là thiết bị vận chuyển hàng hóa và đặc biệt có thêm cả con người nên việc vận hành vận thăng đảm bảo an toàn lao động là một yếu tố rất quan trọng. Pháp luật Việt Nam cũng yêu cầu đối với các thiết bị vận thăng phải thông qua kiểm định mới được sử dụng.

Việc kiểm định vận thăng được thực hiện theo quy định tại thông tư 05/2014/TT-BLĐTBXH ngày 6/3/ 2014 của Bộ LG-TB-XH. Việc thực hiện kiểm định vận thăng phải do đơn vị có chức năng pháp lý thực hiện.

leftcenterrightdel
 Luật sư Diệp Năng Bình.

Có 3 thời điểm phải kiểm định vận thăng gồm :

- Kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu: Là quá trình kiểm định sau khi lắp đặt, trước khi đưa vào sử dụng lần đầu .

- Kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ: Mỗi một lần kiểm định chúng ta chỉ được cấp giấy phép an toàn trong một khoảng thời gian nào đó nên sau khi hết hạn chúng ta phải kiểm định lần tiếp theo.

- Kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường: Đây là quá trình kiểm định sau khi sửa chữa, nâng cấp, cải tạo có ảnh hưởng tới tình trạng kỹ thuật an toàn của vận thăng hoặc khi có yêu cầu của cơ sở sử dụng hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Do sự việc vừa mới xảy ra và chưa có kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Do đó, chưa thể kết luận trách nhiệm thuộc về ai như: Đơn vị kiểm định, nhà thầu, đơn vị giám sát thi công...

leftcenterrightdel
  Tổng mức đầu tư dự án là hơn 100 tỷ đồng.

Theo quy định tại điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012, tai nạn lao động được hiểu như sau:

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, thi công, nhà thầu, ban quản lý dự án…Bên cạnh đó, cần tìm hiểu và truy cứu trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn, giám sát, năng lực hành nghề của công nhân tham gia xây dựng. Sau khi xác định rõ mới có thể quy kết trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai.

Đơn vị thi công cũng phải có trách nhiệm chứ không chỉ chủ đầu tư có trách nhiệm khi có tai nạn, sự cố xảy ra. Luật Xây dựng cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công xây dựng công trình.

Luật cũng chỉ rõ: Nhà thầu thi công xây dựng có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng, thi công đúng thiết kế tiêu chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn và vệ sịnh môi trường, có nhật ký thi công xây dựng công trình, kiểm định vật liệu sản phẩm vật liệu xây dựng, quản lý công nhân lao động trên công trường không gây ảnh hưởng đến khu dân cư chung quanh, chịu trách nhiệm mua bảo hiểm….

Như vậy, nếu như trong quá trình thẩm tra, kiểm định, nhà thầu và các đơn vị chủ đầu tư có những hành vi vi phạm pháp luật, không làm đúng nhiệm vụ cần có thì phải chịu trách nhiệm trước thiệt hại đó.

Trước đó, chiều 2/1, đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 11 người thương vong.

Quá trình thi công xây dựng trụ sở Sở Tài chính Nghệ An (địa chỉ tại vị trí giao nhau giữa đại lộ V.Lê nin và đường Duy Tân, phường Hưng Phúc), thang máy phục vụ thi công đã bị rơi, làm 3 người chết và 8 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương nặng.

Ba nạn nhân tử vong gồm Đ.M.C. (SN 1958), trú tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An; T.C.H. (SN 1977) và P.Đ.P. (SN 1974), cùng trú tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Dự án trụ sở do Sở Tài chính Nghệ An làm chủ đầu tư; Đơn vị thi công là Công ty cổ phần cơ giới và xây lắp 171; Tư vấn giám sát là Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng Nghệ An.

 

Lưu Ly