Thời gian gần đây, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp và trong lĩnh vực bất động sản đã và đang trở thành vấn nạn xã hội nên việc xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm là cần thiết để đảm bảo ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Nguyên nhân của các hành vi lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản gia tăng không phải là do chế tài không nghiêm minh. Trước năm 2009, chế tài nghiêm khắc nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tử hình.

Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam bỏ chế tài tử hình đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đó mức hình phạt nghiêm khắc nhất là tù chung thân. Bởi vậy, không thể nói rằng chế tài hình sự của Việt Nam không nghiêm minh hoặc là việc thi hành án hình sự không nghiêm túc khiến các đối tượng nảy sinh ý định phạm tội.

leftcenterrightdel
 Luật sư Đăng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, chế tài như vậy là rất nghiêm khắc so với các Quốc gia khác cũng như so với các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Nếu bị xử lý bằng chế tài nghiêm khắc nhất là tù chung thân thì ít nhất người phạm tội phải chấp hình hành hình phạt đến 12 năm mới được xem xét đặc xá giảm án và dù giảm án nhiều thì phải chấp hành tối thiểu 20. Tuy nhiên, không phải phạm nhân nào cũng có cơ hội được giảm án như vậy.

Vì vậy, nếu nói rằng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng nhưng phạt vài năm tù là không có cơ sở hay hình phạt không đủ răn đe nên các đối tượng ngang nhiên phạm tội là thiếu căn cứ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực bất động sản nói riêng xảy ra nhiều như:

Những thông tin về các dự án bất động sản còn chưa rõ ràng, thiếu minh bạch dẫn đến việc người dân khó khăn trong việc xác định dự án bất động sản nào có thật, dự án bất động sản nào không có thật, dự án bất động sản nào ở giai đoạn được phép huy động vốn.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc thông qua hoạt động bất động sản sẽ kiếm được một khoản tiền rất lớn trong thời gian rất ngắn bởi vậy vì hám lợi nhuận nên nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi vi lừa đảo.

Nhiều đối tượng ngây thơ cho rằng khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được nhiều tiền thì có thể dùng tiền để che giấu hành vi phạm tội, tìm kiếm thế lực bao che, chống lưng cho bản thân mình để thoát thân nhưng khi bị bắt mới hiểu được là suy nghĩ dại dột.

Sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, bất động sản. Các nhà đầu tư thường theo phòng trào, theo kinh nghiệm mà không tìm hiểu pháp luật, thiếu thông tin nên rất dễ bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ tham gia vào các dự án không có thật.

Còn thiếu cơ chế quản lý giám sát, thiếu quy định trách nhiệm của người đứng đầu ở các địa phương khi xảy ra các vụ việc lừa đảo lớn, bởi vậy nhiều địa phương cán bộ rất thờ ơ khi có những thông tin về các đối tượng chuẩn bị thực hiện các hoạt động để lừa đảo người dân.

Việc yếu kém, thậm chí thiếu trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm đã khiến các đối tượng ngang nhiên thực hiện hành vi lừa đảo trong một thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý.

Một số người dân bị các đối tượng lừa đảo dụ dỗ, lôi kéo trở thành những đối tượng tiếp tay cho chúng, thậm chí vì lợi nhuận có thể bất chấp pháp luật để môi giới, giới thiệu người khác trở thành những nạn nhân tiếp theo của hành vi lừa đảo.

Việc chậm phát hiện, chậm xử lý dẫn đến các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trong một thời gian dài, chiếm đoạt rất nhiều tiền và nhiều nạn nhân sau đó mới bị xử lý khiến nhiều người tưởng dự án là có thật.

leftcenterrightdel
  Khách hàng căng băng rôn tố Công ty KingLand lừa đảo trước đó.

Thee Luật sư Đặng Văn Cường, để đấu tranh với loại tội phạm này thì cần phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, cần phải công khai minh bạch trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có các dự án đầu tư bất động sản; Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý về đầu tư, về xây dựng, nhà ở để kịp thời ra soát, chấn chỉnh các đơn vị huy động vốn trái phép. Khi phát hiện các dự án ma, dự án không có thật hoặc chưa đủ thủ tục mà huy động vốn thì cần phải can thiệp kịp thời, xử lý nghiêm minh, tránh trường hợp các đối tượng lừa đảo lừa gạt hàng trăm người mới bị xử lý.

Ngoài ra, cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân có thêm thông tin, hiểu biết trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, cung cấp thông tin kịp thời về các dự án bất động sản đến người dân thì nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ ít hơn. Xử lý nhanh chóng kịp thời các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực bất động sản, thậm chí xét xử lưu động, tuyên truyền để người dân hiểu biết cách thức thủ đoạn của các đối tượng và mà phòng tránh; cần truy trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan có liên quan trong việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý để các đối tượng lợi dụng vào đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ: Để tội phạm xảy ra nhiều, công khai, chiếm đoạt nhiều tiền, nhiều nạn nhân thì nguyên nhân đầu tiên là công tác phòng ngừa chưa thực hiện tốt, còn để lỏng, để hở, còn thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền, của cơ quan chức năng và sự nhẹ dạ cả tin, thậm chí hám lợi của người bị hại.

Để giảm thiểu các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn như vậy thì cần phải công khai minh bạch các thông tin trong lĩnh vực đầu tư, bất động sản, công khai thông tin về các dự án đã được phê duyệt và tiến độ dự án, xử lý nghiêm minh kịp thời các trường hợp huy động vốn trái phép.

Cần thực hiện tốt hơn trong quản lý kinh tế, nâng cao nhận thức ý thức của người dân và trách nhiệm của cơ quan chức năng thì mới giảm thiểu được các vụ việc như thế này. Việc áp dụng chế tài chỉ là bước sau cùng khi tất cả các giải pháp phòng ngừa thất bại.

Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về chế tài đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức

b) Có tính chất chuyên nghiệp

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng

d) Tái phạm nguy hiểm

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt

g) (được bãi bỏ)

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

 

Huân Thu