Đơn cử mới đây, khoảng 2 tấn khẩu trang y tế đã qua sử dụng được phát hiện tại một ngôi nhà ở tổ 12, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM. Chủ nhân số lượng khẩu trang y tế bị phát hiện là ông S.N. P (SN 1971) làm nghề thu mua phế liệu.
Hay vụ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) kiểm tra và phát hiện đối tượng thu gom hơn 620kg khẩu trang, vật tư y tế đã qua sử dụng ở Vĩnh Phúc để mang về Hà Nội tập kết. Sự việc được phát hiện khi công an kiểm tra một ngôi nhà tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn.
Cơ quan công an xác định N.M.N (SN 1996, trú tại Phổ Yên, Thái Nguyên) là người đã thu mua số khẩu trang trên với giá 840.000 đồng rồi mang về cất giấu tại thôn Đa Hội.
|
|
Công an huyện Sóc Sơn tạm giữ để làm rõ hành vi thu mua 620 kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Trao đổi với Báo Bảo vệ pháp luật về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Thời gian gần đây, lợi dụng tình hình xuất hiện dịch Covid- 19, có một số đối tượng thu gom khẩu trang đã qua sử dụng nhằm mục đích bán trục lợi, đây là hành vi vô đạo đức và cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để xử lý như thế nào với các đối tượng về hành vi thu gom khẩu trang này cần đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng và căn cứ vào số lượng khẩu trang thu giữ. Tuy nhiên, để xử lý về hình sự cần thỏa mãn cấu thành tội phạm tương ứng được quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo quan điểm của Luật sư Thơm, do đối tượng chưa tiêu thụ số khẩu trang này ra thị trường, chưa phát sinh bị hại đã thiệt hại về vật chất nên không có căn cứ xử lý tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 hoặc tội Lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ Luật Hình sự.
Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả cần căn cứ Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa.
Buôn bán hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.
Chiểu theo quy định này, đối tượng thu gom khẩu trang đã sử dụng sẽ không thể là hàng hóa thành phẩm bán ra thị trường nếu không trải qua các công đoạn tái chế, đóng hộp, in nhãn mác, … Do đó, hành vi của đối tượng chỉ mới ở giai đoạn thu gom khẩu trang đã qua sử dụng chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ Luật Hình sự.
Đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ Luật Hình sự, cơ quan điều tra cần giám định số lượng khẩu trang đó có chứa dịch bệnh hay không.
Vị luật sư này cho rằng, đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu quả làm cho người khác bị lây dịch bệnh. Nghĩa là, với số khẩu trang thu gom đã qua sử dụng, đối tượng đã làm cho người khác bị lây dịch bệnh nguy hiểm. Nếu số khẩu trang này có dịch bệnh thì chính đối tượng sẽ là người đầu tiên bị lây nhiễm.
Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi thu gom khẩu trang qua sử dụng của đối tượng nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự thì cũng cần thiết xử lý bằng biện pháp hành chính về hành vi hoạt động và thu gom chất thải không có giấy phép.
Cụ thể như sau: Xử phạt về hành vi hoạt động kinh doanh (thu mua phế liệu) dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại mục 2, khoản 7, điều 1 nghị định số 124/2015 với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Xử phạt về hành vi thu gom khẩu trang qua sử dụng, tùy theo trọng lượng để nhằm mục đích mua bán sẽ bị xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo điểm a hoặc b, khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, thông thường dưới 1.000 kg hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg,…
Trả lời Báo Bảo vệ pháp luật, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị nhận định, việc làm giả, buôn bán khẩu trang giả, kém chất lượng, đặc biệt là buôn bán khẩu trang đã qua sử dụng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Khẩu trang kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sẽ không có tác dụng bảo vệ người sử dụng trước các tác nhân gây bệnh. Bởi, khẩu trang “tái sử dụng” là nguồn bệnh, nguồn lây truyền bệnh. Khẩu trang y tế, sau khi sử dụng, đặc biệt là tiếp xúc với người bệnh có nguy cơ thì cần được huỷ bỏ đúng quy định.
Những khẩu trang đã qua sử dụng đó nếu được “sử dụng lại” sẽ là nguồn gây bệnh cực kỳ nguy hiểm vì nó tiếp xúc trực tiếp với mũi, miệng, con đường gần nhất để nguồn bệnh xâm nhập.
|