Về vấn đề này,  luật sư Bùi Xuân Nam – Công ty Luật TNHH MTV Anh Nam, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng có ý kiến như sau:

 Hiện nay, thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, hàng cấm,… rất tinh vi. Để vận chuyển ma túy, chất cấm từ nước ngoài về Việt Nam, các đối tượng này thường ngụy trang trong những vật dụng thông thường mà mắt thường khó nhận biết rồi lợi dụng phương thức giao hàng công nghệ, nhờ người xách tay hàng hóa qua cửa khẩu, cảng hàng không,…  

Từ đầu năm 2023 đến nay, tại TP Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện 44 vụ vi phạm về lĩnh vực Hải quan, trong đó bắt giữ vi phạm về ma túy 8 vụ, gần 15kg ma tuý các loại. Còn tại sân bay Nội Bài, ngay đầu tháng 1, một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép gần 100kg ma túy từ Đức về Việt Nam đã bị triệt phá. Và trong số đó cũng không hiếm trường hợp người “xách hàng” luôn khẳng định mình không biết bên trong có chứa ma túy, chỉ cầm đồ giúp người khác. Vụ việc phát hiện hơn 11kg ma túy trong hành lý của 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines hôm 16/3 là một trường hợp điển hình.

leftcenterrightdel
 Luật sư Bùi Xuân Nam – Công ty Luật TNHH MTV Anh Nam, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng. (Ảnh: LT)

Theo luật sư Bùi Xuân Nam – Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng nhận định, trên thực tế, nhiều vụ việc cho thấy, các đối tượng xấu không từ bỏ thủ đoạn, thậm chí lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để gửi hàng cấm. Ngoài ra, một bộ phận người dân vì lợi nhuận trước mắt mà tiếp tay tham gia vận chuyển ma túy cho các đối tượng...

Theo quy định tại Điểm 3.2, Mục II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP “Vận chuyển trái phép chất ma túy” là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào (có thể bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện…; có thể để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như valy, túi xách,…) mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác. Người giữ hộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.

Các tội phạm liên quan đến ma túy, trong 4 mặt cấu thành tội phạm, về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Nghĩa là người thực hiện hành vi phạm tội phải biết được hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, thấy được sự nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đến cùng hoặc không mong muốn nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra.  

Với trường hợp người vận chuyển biết rõ được hàng hóa mình mang theo là ma túy thì ở đây có 2 loại tội phạm có thể được cấu thành. Thứ nhất, nếu như người mang theo ma túy nhưng không nhằm vào mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ thì có thể bị  cấu thành tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 250 BLHS 2015 và có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp thứ 2, người mang theo ma túy biết rõ những đối tượng chủ mưu tiến hành mua bán trái phép chất ma túy mà vẫn đồng ý vận chuyển giúp khối lượng ma túy thì cũng sẽ bị cấu thành tội phạm với tội “Mua bán trái phép chất ma túy” ở vai trò đồng phạm được quy định tại Điều 251 BLHS.  Tội danh này khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Với trường hợp, người vận chuyển hoàn toàn không biết được hàng nhờ xách tay là ma túy, chất cấm,… và có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh là mình không biết, không cố ý thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội này vì không thỏa mãn dấu hiệu về mặt chủ quan là lỗi cố ý.

Trước những ý kiến cho rằng việc bất kỳ ai cũng có thể vận chuyển hàng cấm hoặc thực hiện hành vi phạm pháp và sau đó chỉ cần khai nhận mình không hề biết hoặc bị lừa là sẽ thoát tội, luật sư Bùi Xuân Nam khẳng định đây là một quan điểm không hề đúng. Bởi, các đối tượng một khi đã thực hiện hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra bằng khả năng nghiệp vụ sẽ đưa ra được bằng chứng để chứng minh hành vi phạm tội của họ.

Liên quan đến vụ việc phát hiện hơn 11kg ma túy trong hành lý của 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, luật sư Nam cho biết, trước đó, 4 nữ tiếp viên này bị Công an tạm giữ để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

leftcenterrightdel
 Hơn 11kg ma tuý dạng viên nén và bột bị thu giữ. (Ảnh: Hải quan TP.HCM)

Tuy nhiên, sau khi tiến hành điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM quyết định trả tự do cho họ vì chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự đồng thời khởi tố vụ án "Vận chuyển trái phép chất ma tuý", mở rộng vụ án để điều tra, xử lý nghiêm những người có liên quan theo quy định pháp luật.

Theo luật sư, việc trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không là do Cơ quan điều tra bước đầu đã xác minh được những người này không biết có ma túy bên trong các tuýp kem đánh răng. Cùng với đó, việc “Vận chuyển trái phép ma túy” từ Pháp về Việt Nam là đã xảy ra, có dấu hiệu của tội phạm, do đó Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án là đúng quy định.

Cơ quan tiến hành tố tụng đang tiếp tục điều tra, làm rõ ma túy này là của đối tượng nào. Quá trình điều tra, nếu xác định được danh tính của đối tượng mua bán ma túy thì sẽ khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với 4 nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines có thể không bị xử lý hình sự về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” nhưng nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác, sẽ vẫn bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Bùi Xuân Nam nhấn mạnh, thông qua vụ việc trên cũng là lời cảnh tỉnh không chỉ cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng không mà còn đối với cả người dân khi tham gia các chuyến bay nội địa/ quốc tế. Khi cầm hộ hàng hóa cho ai cần có thông tin rõ ràng về hàng hóa đó, thậm chí bạn phải kiểm tra kĩ hàng hóa trước khi nhận vận chuyển hộ.

Đối với những người lạ, không quen biết, hàng hóa có nghi vấn, khó kiểm tra bằng mắt thường thì tốt nhất bạn không nên vận chuyển. Để bảo vệ bản thân, người dân không nên nhận vận chuyển, từ chối nhận cầm giúp hàng hóa có nghi vấn. Đừng vì lòng tốt muốn giúp người khác chuyển đồ từ nước ngoài về hoặc nhận lời giúp ngay tại sân bay mà có thể “rước họa vào thân”.

 

Lê Tâm