mLàm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là hành vi làm ra, cất giữ, vận chuyển, sử dụng, trao đổi, mua bán các loại tiền giả.

Điều 207 – Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định như sau:

“1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Các yếu tố cấu thành tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

Khách thể

Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến quy định của Nhà nước về quản lý tiền tệ.

Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội này có một trong các dấu hiệu sau:

–  Đối với tội làm tiền giả được thể hiện qua các hành vi in, vẽ, phôtô hoặc bằng các hình thức khác để tạo ra các đối tượng này giống như tiền thật, ngân phiếu thật, công trái thật nhằm làm cho người khác tưởng thật.

–  Đối với tội tàng trữ tiền giả. Được thể hiện qua hành vi cất giữ các đối tượng này (một cách trái pháp luật) dưới bất kỳ hình thức nào.

–  Đối với tội vận chuyển tiền giả. Được thể hiện qua hành vi đưa đối tượng này từ nơi này đến nơi khác bằng mọi phương thức (đường sông, đường bộ, đường không…) với mọi phương tiện (như tàu, xe, máy bay…).

–  Đối với tội lưu hành tiền giả. Được thể hiện qua hành vi đưa tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả vào sử dụng để thanh toán, trao đổi…(như dùng tiền để mua hàng hóa…).

Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, bất cứ ai có năng lực hành vi và đến một độ tuổi nhất định đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

Mặt chủ quan

Người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng chủ yếu vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng việc xác định động cơ phạm tội có ý nghĩa rất lớn đối với việc quyết định hình phạt. Người phạm tội vì trục lợi mà làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả nguy hiểm hơn nhièu so với người phạm tội biết là tiền giả nhưng vì tiếc của mà đem lưu hành ( thường là bị trả nhầm tiền giả sau đó mới biết nhưng vì tiếc của nên đem tiêu).

Hình phạt

Được chia thành ba khung, cụ thể như sau:

 Khung một (khoản 1)

Có mức phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Được áp dụng trong trường hợp người phạm tội có đủ các dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan.

 Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. Được áp dụng trong trường hợp nghiêm trọng.

 Khung ba (khoản 3)

Có mức phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Được áp dụng trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặt biệt nghiêm trọng.

– Hình phạt bổ sung (khoản 4)

Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị:

+ Phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

+ Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

 

Luật sư: Trần Văn Kiệm (Đoàn Luật sư Hà Nội)