Lừa dối khách hàng là hành vi gian dối trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng khi thực hiện hợp đồng mua, bán để thu lợi bất chính.
Tội lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự như sau:
“1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”
Dấu hiệu pháp lý của tội lừa dối khách hàng
Chủ thể
Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng cũng không phải ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội phạm này, mà chỉ những người tham gia vào quá trình mua bán (thường là người bán) mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Các điều kiện khác về chủ thể của tội phạm cũng tương tự như đối với các tội phạm khác. Chỉ người từ đủ 16 tuổi mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào.
Mặt chủ quan
Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, những vẫn thực hiện.
Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lừa dối khách hàng bao giờ cũng vì động cơ tư lợi.
Khách thể
Hành vi phạm tội của người phạm tội xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội lừa dối khách hàng có các dấu hiệu sau:
Có hành vi cân, đong, đong đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán.
Cân, đong, đo, đếm, tính gian, được hiểu là cân đong đo đếm tính toán khôrg chính xác, không đúng vối số lượng, trọng lượng, khối lượng, kích thước thực tế của từng loại hàng trong việc mua bán làm thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng.
Đánh tráo hàng, được hiểu là việc khi giao hàng đã thực hiện không đúng về chất lượng, chủng loại theo thỏa làm thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng.
Thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán, được hiểu là những thủ đoạn làm cho khách hàng bị nhầm lẫn tưởng là mình đã nhận đúng, mua đúng loại hàng với chất lượng như thỏa thuận ban đầu.
Các hành vi nêu trên phải gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng; đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng nhưng chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Về hình phạt
Mức hình phạt của tội danh này được chia làm hai khung, cụ thể như sau:
Khung một (khoản 1).
Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ các dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan. Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với các trường hợp:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
Khung hai (khoản 2).
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung (khoản 3).
Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.