Những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng không gian mạng

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019. Theo đó, Luật nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để “Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc”.

Việc “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác" cũng bị nghiêm cấm.

leftcenterrightdel
 Luật An ninh mạng không có quy định nào cấm công dân sử dụng Facebook, Google. Ảnh: AFP/TTXVN (Ảnh có tính chất minh họa)

Dùng không gian mạng để "hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng" hay "xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội" cũng là hành vi bị nghiêm cấm.

Ngoài ra, Luật cũng nghiêm cấm các hành vi: Tấn công mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác".

Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng; hay lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

Doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin cá nhân người dùng khi nào?

Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng.

Những doanh nghiệp này sẽ cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp phải ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xoá bỏ các thông tin có nội dung vi phạm...

Như vậy có thể thấy, tại Luật An ninh mạng không có quy định nào cấm Facebook, Google hoặc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; không có quy định nào cấm công dân Việt Nam sử dụng dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google.

Luật An ninh mạng không cũng không ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân. Các hoạt động trao đổi, đăng tải, chia sẻ thông tin, mua bán, kinh doanh, thương mại không hề bị ngăn cản nếu hoạt động đó không vi phạm pháp luật (như các điều nghiêm cấm đã nêu trên). 

Với những quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, internet như đã nêu trên thì Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của người sử dụng. 

Doanh nghiệp viễn thông, internet trong và ngoài nước có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an chỉ được tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Hoàng Linh/Báo Tin tức