Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID – 19 đang có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Tây Ninh,….Để đảm bảo cho công tác ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh, đồng thời để phục vụ cho việc chữa trị đối với các bệnh nhân bị nhiễm COVID – 19 thì việc sử dụng các trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong khi cả nước đang dốc hết sức mình để cùng chung tay chống dịch thì lại có một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bán các trang thiết bị y tế nhằm mục đích thu lợi bất chính. Với những hành vi như trên, tùy vào mức độ vi phạm, tính chất nguy hiểm của hành vi mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Cụ thể như sau:

1. Xử lý vi phạm hành chính:

Ngày 08/11/2021, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Theo đó, trang thiết bị y tế là mặt hàng phải kê khai giá và cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết. Trong trường hợp không niêm yết giá hàng hóa dịch vụ, niêm yết giá không đúng hoặc bán giá cao hơn giá đã niêm yết theo quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 7 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP) với mức phạt cao nhất lên đến 10.000.000 đồng. Cụ thể:

Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

b) Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm;

b) Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Khoản 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 Điều này, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.”

Mức phạt trên được áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Ngoài ra, những người có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID – 19 để đầu cơ các trang thiết bị y tế nhằm thu lợi bất chính thì có bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể:

Điều 31. Hành vi đầu cơ hàng hóa

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

a) Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;

b) Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

…”

Bên cạnh việc phạt tiền thì người có hành vi đầu cơ hàng hóa còn phải thực hiện các hình phạt bổ sung như: Bị tịch thu tang vật; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng đến 12 tháng; Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 6 tháng đến 12 tháng. Đồng thời, buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

2. Xử lý hình sự:

Người có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội  đầu cơ” theo quy định tại Điều 196 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất lên tới 15 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp pháp nhân vi phạm thì có thể bị phạt tiền lên tới 9.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

 

 

 

Song Anh