Trả lời  trường hợp bạn Nguyễn Lan hỏi:

Thời gian gần đây, việc học viên lái xe gây tai nạn thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân, là điều không ai mong muốn. Trường hợp này, học viên đã điều khiển xe ô tô trên đường khi chưa được cấp giấy phép lái xe, tức là chưa đủ điều kiện tham gia giao thông, còn người dạy đã thiếu sự giám sát, để người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Do đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm. Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn An Bình, Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự - Đoàn Luật sư TP Hà Nội đưa ra quan điểm:

1. Đối với học viên lái xe đâm chết người

Theo Điều 260 (Bộ luật Hình sự 2015) quy định về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì: Người điều khiển phương tiện làm chết người hoặc không chết mà bị hại bị thương tật từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ bị khởi tố hình sự. Tội danh theo Điều 260 thường được tính là lỗi hỗn hợp. Các lỗi thường dễ mắc phải nhất như: không làm chủ tốc độ; không giữ khoảng cách an toàn; lấn làn; không nhường đường…

Cụ thể, trong trường hợp này,  pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 58 Chương V Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019:  "1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp…” Như vậy, khi tham gia giao thông mà chưa có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển là không đảm bảo điều kiện, việc lái xe gây chết người thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về giao thông đường bộ căn cứ theo điểm a - Không có giấy phép lái xe theo quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù:

Điều 260. Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

 ….

2. Đối với người dạy lái xe:

Trường hợp này,  Luật sư Nguyễn An Bình cho biết: Nếu thầy dạy lái xe giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông có thể bị xử lý hình sự về các tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” (Điều 264); hoặc Tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (Điều 129). Khung hình phạt của cả hai tội này sẽ là từ 1- 5 năm tù. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, người dạy lái xe còn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án hình sự cho bị hại theo quy định tại Điều 591 Mục 2 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015. Mức bồi thường sẽ gồm: tiền mai tang phí, tiền thuốc men khi ở bệnh viện; tiền cấp dưỡng, nếu bị hại có con chưa đủ 18 tuổi; và tiền bồi thường tổn thất tinh thần là 50 tháng lương tối thiểu.

Người gây ra tai nạn là học viên của Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe (có danh sách đăng ký học, các chứng từ hợp pháp liên quan…), căn cứ Điều 600 Mục 3 Chương XIX Bộ luật Dân sự 2015, trung tâm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Trong trường hợp nếu chứng minh việc lỗi gây ra tai nạn xuất phát từ chính học viên thì trung tâm có quyền yêu cầu người này hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền trên.

Luật sư Bình cho biết thêm, tại khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì "Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.".

Nghị định số 65/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe và Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22 tháng 04 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, xác định được giáo viên cho phép học viên tự điều khiển phương tiện trên đường, người giáo viên có thể bị xử lý hình sự.

Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;”

……

Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết người;”

…..

Tuấn Anh