Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:
1. Dấu hiệu pháp lý của tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
Tội vi phạm quy định về PCCC theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 là hành vi vi phạm các quy định về PCCC gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Có thể nhận biết tội danh này qua các dấu hiệu cụ thể sau:
a. Khách thể của tội phạm
Tội vi phạm quy định về PCCC xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng, trật tự quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và tính mạng, sức khỏe, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng.
b. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội vi phạm quy định về PCCC là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên đối với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), và người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định.
c. Mặt khách quan của tội phạm
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
- Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về PCCC. Người thực hiện hành vi vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi của mình gây thiệt hại đến tính mạng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản của người khác theo quy định.
d. Mặt chủ quan của tội phạm
- Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý;
- Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý (lỗi vô ý do quá tự tin hoặc lỗi vô ý do cẩu thả).
2. Xử lý hình sự
Căn cứ theo Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, người nào có hành vi vi phạm quy định về PCCC tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người có hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Trong đó, khung hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm và mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm theo quy định.
Ngoài ra trường hợp vi phạm quy định về PCCC có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 nêu trên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm theo quy định.