Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có ý kiến về vấn đề này như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Bùi Quang Thu.

 

Thế nào là chung sống như vợ chồng?

 Căn cứ để tòa án công nhận quan hệ hôn nhân của nam nữ sống chung như vợ chồng theo điểm d, khoản 2 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, gồm một trong những trường hợp sau:

Trường hợp 1: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau

- Lễ cưới được tổ chức theo tập tục, tập quán của từng vùng miền;

- Nam nữ bắt đầu chung sống với nhau sau khi đã tổ chức lễ cưới;

Trường hợp 2: Việc nam nữ chung sống với nhau được gia đình chấp nhận

- Có thể gia đình 2 bên hoặc gia đình một bên chấp nhận việc nam nữ chung sống với nhau;

Trường hợp 3: Nam nữ chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến

- Thường có thể thấy các tổ chức Đảng, Đoàn, tổ chức nơi công tác, học tập… chứng kiến sự kiện;

- Người chứng kiến cũng có thể là linh mục, cha xứ, người thân, lãnh đạo…;

Trường hợp 4: Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau và cùng nhau xây dựng gia đình

- Biểu hiện bằng việc nam nữ cùng dọn về sống chung với nhau, cùng nhau lao động, chăm sóc, giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống;

- Cùng nhau gây dựng cuộc sống gia đình như chăm sóc bố mẹ hai bên, sinh con, nuôi dạy con cái… 

Chung sống như vợ chồng có được hưởng thừa kế?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì có 2 hình thức thừa kế gồm: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật; trong đó:

- Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống theo quyết định của người để lại di sản trước khi chết thể hiện qua di chúc. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

- Thừa kế theo pháp luật là việc chuyển giao tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện thừa kế và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Do đó, việc nam nữ sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn thì có được hưởng thừa kế của nhau không sẽ được chia thành 2 trường hợp cụ thể như sau:

1) Trường hợp 1: Thừa kế theo di chúc

Căn cứ quy định tại Chương XXII Bộ luật Dân sự 2015 thì người thành niên (đủ điều kiện theo quy định) có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Người lập di chúc có quyền sau đây:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Như vậy, trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn có thể được hưởng thừa kế của nhau khi người để lại di sản có di chúc hợp pháp chỉ định người còn lại được thừa kế tài sản của mình.

Trong đó, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện nêu trên.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

(2) Trường hợp 2: Thừa kế theo pháp luật

Căn cứ quy định tại Chương XXIII Bộ luật Dân sự 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Căn cứ quy định nêu trên thì vợ chồng hợp pháp (có đăng ký kết hôn) mới được xác định là những người thừa kế theo pháp luật của nhau, còn trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn thì không được xác định là người thừa kế theo pháp luật của nhau nên không được hưởng thừa kế trong trường hợp này.

 

 

 

Hương My(T/h)