Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Trần Đức Thắng.

 

1.  Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc cây xanh đổ làm thiệt hại tài sản?

Căn cứ tại Điều 584 và Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 584.Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

Như vậy chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây xanh gây ra. Tuy nhiên cần xác định rõ ai là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý đối với những cây xanh bị đổ.

Căn cứ theo quy định tại Điều 3, 20, 21, 22, 23 Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 quy định về quản lý cây xanh đô thị thì Chính phủ thống nhất quản lý cây xanh đô thị, có phân công, phân cấp trách nhiệm theo quy định. Các cơ quan Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý cây xanh đô thị. Theo đó cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào được giao nhiệm vụ quản lý cây xanh thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối trên địa bàn quản lý gây ra.

2.  Trường hợp không được bồi thường thiệt hại do cây xanh ngã, đổ

Theo quy định khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên thì: Trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự, giải thích sự kiện bất khả kháng như sau:

“Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.”.

Như vậy trường hợp cây xanh ngã, đổ gây ra thiệt hại nhưng người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường nếu nguyên nhân gây ra thiệt hại do lỗi của người bị thiệt hại gây ra (ví dụ: Vị trí tài sản bị thiệt hại được để không đúng quy định( hầu hết các xe ô tô bị cây đè gây hư hỏng đều đỗ sai vị trí) ....) hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2 Điều 584 và khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên.

Để xác định trường hợp cây xanh ngã đổ do mưa bão gây thiệt hại có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không, cần xác định chủ sở hữu, người chiếm hữu, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào được giao nhiệm vụ quản lý cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ… được quy định tại Điều 11 Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị).

Nếu đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng và không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Ngược lại nếu không thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp mà thiệt hại xảy ra thì  chủ sở hữu, người chiếm hữu, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào được giao nhiệm vụ quản lý cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại nếu người đó không có lỗi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

                                                                        

Hương My (T/h)